Thị xã Phúc Yên bứt phá để chạm đích vào cuối năm

Việt Tùng Thứ tư, ngày 30/11/2016 06:50 AM (GMT+7)
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã có 3/4 xã về đích, xã còn lại cũng đã đạt 15/19 tiêu chí và dự kiến cuối năm 2016 sẽ đạt chuẩn.
Bình luận 0

Thuận lợi đan xen khó khăn

Thị xã Phúc Yên giáp với phía Đông Bắc của Hà Nội, có 10 đơn vị hành chính, trong đó 4 xã xây dựng NTM là Cao Minh, Nam Viêm, Tiền Châu và Ngọc Thanh. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tiến – Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên cho biết, ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, thị xã đã thành lập bộ máy chỉ đạo, quản lý thực hiện theo hướng dẫn của T.Ư, tỉnh. Tuy nhiên, do cán bộ làm công tác xây dựng NTM chủ yếu là kiêm nhiệm, nên quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, tham mưu, đề xuất chưa sát thực tiễn và kịp thời; một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ Nhà nước; việc huy động đóng góp từ bà con nông dân còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp bấp bênh, quy mô nhỏ lẻ, thu nhập không cao…

img

Xây dựng nhà văn hóa thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: V.T

Sau 5 năm xây dựng NTM, thị xã Phúc Yên đã huy động được hơn 506 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 2,65 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 173 tỷ đồng; ngân sách thị xã: 133 tỷ đồng; ngân sách xã: 18 tỷ đồng; vốn tín dụng: 17 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 3 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 162 tỷ đồng. Ngoài ra nhân dân còn hiến 29.092 m2 đất làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn…

Trong khi đó, đây là chương trình, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn rất đồng tình hưởng ứng. Thị xã lại có thêm một thuận lợi là được kế thừa những kết quả thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về tam nông. Do đó, lãnh đạo thị xã đã tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp cùng chung sức xây dựng NTM. Kết quả là diện mạo NTM ở các xã không ngừng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Bằng chứng là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá... được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh.

Theo ông Tiến, song song với đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thị xã rất chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản ổn định…

“Ngoài những vấn đề trên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải, nước sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn; ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, phát triển đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở nông thôn, nhất là xã miền núi..., góp phần rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các xã, phường” - ông Tiến cho hay.

Xã cuối cùng sắp về đích

Là xã cuối cùng đăng ký về đích năm 2016, xã Ngọc Thanh đang gấp rút hoàn thành những tiêu chí cuối cùng. Những ngày này, về Ngọc Thanh, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy không khí xây dựng NTM ở đây đang rất sôi nổi, khẩn trương. Nơi thì người dân huy động chỉnh trang nhà cửa, cải tạo ruộng vườn, nơi thì bà con cắt cử nhân lực trong gia đình cùng xã làm đường bê tông, xây nhà văn hóa, nạo vét kênh mương...

Ông Lý Văn Lương – Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết, Ngọc Thanh là xã miền núi duy nhất của Thị xã Phúc Yên với gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo tiền đề để người dân địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ nhận thức đó, những năm qua xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân trong việc chung tay xây dựng NTM.

Với nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, thị xã và vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp, đến nay Ngọc Thanh đã cứng hóa được 25/27 km đường trục xã, 10/43km đường trục thôn, 21/46km đường ngõ xóm. Người dân trong xã còn hiến hàng nghìn m2 đất thổ cư, đất vườn, đất nông nghiệp để mở rộng đường sá…  “Hiện xã chỉ còn 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và hệ thống tổ chức chính trị xã hội, do đó chúng tôi đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án để có thể cán đích vào cuối năm” – ông Lương cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem