Tiền Giang: Nước ngọt miễn phí đã về, dân vẫn mất tiền vì... xa quá
Tiền Giang: Nước ngọt miễn phí đã về, dân vẫn mất tiền vì... xa quá
Trần Đáng
Thứ ba, ngày 17/03/2020 14:06 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở Tiền Giang vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước miễn phí cứu cây sầu riêng đang bị hạn mặn gây thiệt hại nghiêm trọng, mặc dù nguồn nước này đã được đưa về các địa phương.
Tại xã Phú Phong (Châu Thành), một hồ nước dã chiến khoảng 2.000 khối nước đã được xây dựng dưới chân cầu Phú Phong. Gần tuần nay, ngày nào sà lan cũng chở 1.000 khối nước ngọt đến bơm vào hồ chứa này để nông dân đến lấy về cứu những vườn sầu riêng đang chết khát.
Theo định mức, với mỗi công sầu riêng (1.000m2), nông dân được hỗ trợ 1 khối nước ngọt.
Chủ tịch UBND xã Phú Phong Nguyễn Quốc Điền chia sẻ, xã Phú Phong có 200ha sầu riêng. Tính đến thời điểm này đã có 42ha sầu riêng đã chết do hạn mặn. Nhiều diện tích sầu riêng khác đang bị hạn mặn xâm hại.
"Trong tình hình nguồn nước ngọt tại địa phương đã cạn kiệt, việc được hỗ trợ nước ngọt miễn phí để cứu sầu riêng đang bị hạn mặn tấn công khiến bà con nông dân trồng sầu riêng rất phấn khởi", ông Điền thổ lộ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Điền, vẫn còn 60 – 70ha sầu riêng nằm sâu trong nội đồng rất khó tiếp cận nguồn nước này.
"Đường đi rất khó khăn, nhỏ hẹp, luồn lách nên rất khó gọi xe cải tiến chở nước vào vườn sầu riêng. Nếu xe có nhận chở nước vào thì mỗi chuyến cũng chỉ chở được 1 khối nước với mức vận chuyển khoảng 100.000 đồng, nên nông dân lực bất tòng tâm", ông Điền thông tin.
Trong khi đó, tại xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy), tình hình cung cấp nước miễn phí cho nông dân cứu sầu riêng cũng gặp vấn đề tương tự.
Phó Chủ tịch UBND xã cù lao Tân Phong Lê Văn Bình cho biết, chính quyền địa phương sẽ cho xây dựng nhiều hồ chứa nước dã chiến trên địa bàn để nông dân tiện việc lấy nước.
"Chúng tôi định xây dựng 5, 6 hồ chứa nước để người dân tiện việc lấy về cứu vườn sầu riêng", ông Bình cho biết.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, dù đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân lấy nước nhưng cũng có khoảng 50% diện tích sầu riêng tại địa phương khó tiếp cận các hồ chứa nước này.
Hiện, xã cù lao Tân Phong có khoảng 1.500ha sầu riêng.
Anh Nguyễn Hoàng Phong – một nông dân trồng sầu riêng ở khu vực này cho biết, do nhà ở quá xa điểm lấy nước, không có dụng cụ, cũng như đường nội đồng nhỏ, hẹp khó vận chuyển, nên việc lấy nước là bất khả thi.
"Chẳng lẽ lội hàng chục cây số chỉ để vác về hai thùng nước tưới cây?", anh bộc bạch.
Hiện anh Phong đã mua 500 khối nước, với giá 40.000 đồng/khối. Tính ra, vẫn rẻ hơn đi lấy nước miễn phí rồi thuê xe chở về nhà.
Theo ông Bình, nói là nước miễn phí nhưng nông dân ở xa phải thuê xe chở về hết 75.000 - 100.000 đồng/khối. Nếu mua nước từ ghe cũng chỉ 40.000 đồng/khối. Vậy tính ra, mua nước tại chỗ còn rẻ và tiện hơn.
"Tôi nghĩ, khi triển khai hỗ trợ nước miễn phí cho nông dân, tỉnh Tiền Giang cũng nên tính tới phương án hỗ trợ bằng tiền. Thực tế cho thấy, với những nông dân ở xa điểm lấy nước thì hỗ trợ bằng tiền để nông dân mua nước tại chỗ rẻ hơn, tiện hơn là phải thuê xe ra điểm lấy nước rồi vận chuyển vào vườn", ông Bình chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ thuê tàu chở nước ngọt cấp cho các huyện, như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy để tưới cho 12.100ha sầu riêng bị ảnh hưởng hạn, mặn, với thời gian hỗ trợ nước ngọt để tưới 1,5 tháng. Tổng kinh phí thực hiện theo phương án này là gần 37 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với cây sầu riêng giai đoạn cho thu hoạch (trên 5 năm tuổi trở lên) cần 100 lít nước/cây/lần tưới và tưới 4 lần/tháng.
Như vậy, với mật độ trồng bình quân 200 cây/ha cần đến 80 khối nước/ha/tháng. Đối với cây sầu riêng giai đoạn kiến thiết (từ 2 đến 5 năm tuổi) cần 50 lít/cây/lần tưới, tổng cộng cần tưới 40 khối nước/ha/tháng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn nhận định, việc cấp ngọt cho các địa phương phục vụ vùng trồng sầu riêng là rất khẩn cấp. Những khu vực, diện tích sầu riêng nào đang "khát" nước ngọt thì ưu tiên trước.
Riêng các khu vực nằm xa đường chính hoặc điểm lấy nước tập trung, địa phương phải có ghe, tàu nhỏ để trung chuyển đến điểm cố định. Tỉnh cho kinh phí thuê tàu chở nước về, địa phương phải bỏ kinh phí mua bạt về trải lấy nước ở những điểm cố định và ghe trung chuyển vào những điểm sâu bên trong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.