Tổ hợp tác “lo sốt vó” với Thông tư 39

Quốc Hải Thứ tư, ngày 01/03/2017 13:00 PM (GMT+7)
Tổ hợp tác ở nhiều địa phương đang lo lắng vì từ ngày 15.3 tới sẽ không được đứng tên vay vốn ngân hàng, theo quy định của Thông tư 39 (quy định tư cách chủ thể tham gia vay vốn ngân hàng). Bản thân các thành viên của tổ vay vốn cũng tỏ ra lo ngại phải “đứng mũi chịu sào” nếu phải gánh trách nhiệm cá nhân khi đứng ra vay vốn cho toàn tổ.
Bình luận 0

Người dân băn khoăn, ngân hàng lúng túng

Ông Lê Văn Kha - tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm rơm sạch ấp Phước Thành (xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cho biết, ông khá bất ngờ với quy định từ ngày 15.3 tổ hợp tác sẽ không được đứng tên vay vốn ngân hàng nữa mà phải do một cá nhân đứng ra cam kết và chịu trách nhiệm vay vốn cho tổ hợp tác. Theo ông Kha, tổ hợp tác dù vay số vốn không nhiều nhưng nếu một cá nhân đứng ra vay tiền cho cả tổ 6 thành viên và chịu trách nhiệm với khoản vay này thì chắc chẳng ai dám đứng ra.

img

Các cá nhân đang vay vốn tại một chi nhánh Agribank ở TP.HCM.  Ảnh: Q.H

Đại diện Agribank cho biết, hiện số lượng tổ hợp tác ở nhiều địa phương trong cả nước vay vốn không quá lớn. Thế nhưng các tổ này lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho rất nhiều lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Do đó, Agribank đang xây dựng kế hoạch gấp rút để giúp các tổ vay vốn duy trì được các khoản vay phát triển sao cho đúng luật nhưng cũng thuận lợi nhất cho người dân.

“Lâu nay việc vay vốn cho tổ thì  lấy danh nghĩa tổ hợp tác ký hợp đồng, các thành viên đều chịu trách nhiệm chung với ngân hàng. Bây giờ nếu một cá nhân đứng ra nếu làm ăn thua lỗ thì người ký hợp đồng vay chịu trách nhiệm là rất khó” - ông Kha chia sẻ.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Mai (tổ hợp tác nuôi cá lồng tại La Ngà, Đồng Nai), cười nói: “Vốn vay của tổ không nhiều, chỉ tầm vài chục triệu đồng, nhưng muốn một người đứng ra lãnh hết trách nhiệm thì rất khó. Còn nếu để tổ hợp tác phát triển thành doanh nghiệp không ổn vì quy mô nhỏ, lại phải chịu nhiều khoản thuế; nhất là lấy ai làm sổ sách, kế toán... khi đại đa số các thành viên quanh năm sống trên nhà bè”.

Thực tế, băn khoăn này của đại diện các tổ hợp tác nhiều tỉnh thành cũng đang là khó khăn của phía cơ quan chức năng. Nói về vấn đề này, ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, giải pháp tốt nhất là để tất cả những cá nhân tham gia dự án sản xuất của các tổ vay vốn này cùng đứng ra vay. Chẳng hạn, tổ có 4 thành viên thì cả 4 người cùng đứng ra vay vốn. Như vậy, các cá nhân sẽ cùng gánh vác trách nhiệm và việc quy trách nhiệm trả nợ khoản vay cũng dễ hơn.

Tuy nhiên, với giải pháp này của đại diện Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng không chỉ tăng thời gian thẩm định, tăng chi phí, rắc rối trong giải quyết hồ sơ... dẫn đến tình trạng các ngân hàng sẽ “ngại” cho các tổ vay vốn vay nếu các khoản vay nhỏ lẻ.

 “Nắm đằng cán” để hạn chế rủi ro?

Trước những lo lắng của người dân với Thông tư 39, TS - luật Sư Bùi Quang Tín (TP.HCM) cho rằng, người dân đang hiểu lầm Thông tư 39 vì thực tế Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ các chủ thể tham gia bao gồm cả các quan hệ vay vốn như quan hệ với ngân hàng chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân. Quy định này rất khác so với Bộ luật Dân sự trước đây là bao gồm cả các hộ gia đình, hộ kinh doanh. Do vậy, để phù hợp với luật, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung một số quy định mới tại Thông tư 39, trong đó có quy định rõ những thành phần đủ tư cách chủ thể tham gia vay vốn ngân hàng.

“Về mặt pháp lý, về trách nhiệm, tư cách thì chủ thể không thể là một tổ, một nhóm mà phải là một hoặc một số cá nhân nằm trong tổ hoặc hộ kinh doanh đó. Vì vậy, những quy định của Thông tư 39 chỉ là thay đổi nhằm chuẩn hóa về mặt pháp lý để đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và phù hợp thông lệ chung của quốc tế” - ông Tín khẳng định.

Trong khi đó, liên quan đến việc lãi suất có thể tăng cao hơn so với quy định cũ, Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM nói, dù chủ thể vay vốn thay đổi từ hộ gia đình, tổ vay vốn sang tư cách cá nhân thì cũng không ảnh hưởng tới lãi suất vì trên thực tế, nhiều món vay của khách hàng cá nhân đang được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn nhiều so với hộ kinh doanh, tiểu thương. Riêng những trường hợp đang vay vốn tại ngân hàng thì Thông tư 39 cũng quy định rõ cho phép tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông tư có hiệu lực.

“Việc các ngân hàng nếu tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cao vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể. Đây cũng có thể xem là giải pháp... nắm đằng cán để bảo đảm an toàn của nguồn vốn cho vay” - vị này nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem