“Tôi là Nông dân 4.0”: 30 Dự án xuất sắc được chọn vào chung khảo

Bùi Hồng Liên Thứ ba, ngày 08/05/2018 19:15 PM (GMT+7)
Ban Tổ chức Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” năm 2018 cho biết, sau khi kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15.4 vừa qua, các thành viên Ban Tổ chức đã tiến hành thống kê, phân loại các tác phẩm. Sau 6 tháng kể từ khi phát động, Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” đã nhận được tổng cộng gần 1.000 bài dự thi ở khắp mọi miền đất nước gửi về.
Bình luận 0

Chiều 7.5, tại Hà Nội, Ban Sơ khảo Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” năm 2018, gồm 6 thành viên đã tiến hành chấm sơ khảo. Theo đánh giá sơ bộ của Ban Sơ khảo, đây là năm đầu tiên tổ chức Cuộc thi nhưng số lượng tác phẩm dự thi gửi về cho BTC không hề nhỏ, với những dự án hết sức phong phú, đa dạng, thể hiện sự hấp dẫn riêng của một sân chơi lần đầu tiên được tổ chức cho nông dân áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Cuộc thi đầu tiên cho ND ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp

Ban Tổ chức Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” cho biết, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội đặt ra là xu thế tất yếu.

img

Sau 6 tháng phát động (từ ngày 14.10.2017 đến hết ngày 15.4.2018), Ban tổ chức Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" đã nhận được tổng số 968 hồ sơ hợp lệ, 10 hồ sơ không hợp lệ do quá hạn và không đúng với tiêu chí của cuộc thi.

Các hồ sơ tham dự Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” gửi từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam qua 3 kênh: Tỉnh Hội ND giới thiệu; phóng viên giới thiệu và các cá nhân và nông dân tự kết nối với ban tổ chức.

Qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đánh giá cao chất lượng của những dự án nông nghiệp của các cá nhân, nhóm cá nhân tham dự cuộc thi. Những dự án tham dự đều được đầu tư bài bản, mang tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản sạch.

Ông Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng biên tập Báo NTNN, đồng thời là Trưởng ban sơ khảo Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” cho biết: ““Tôi là Nông dân 4.0" là cuộc thi đầu tiên dành cho nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vào nông nghiệp. Qua đánh giá sơ bộ, nhìn chung, trong số 968 hồ sơ nhận được, chất lượng các dự án đa dạng về vùng miền, thể loại: mô hình nông nghiệp công nghệ cao về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản, chế tạo máy móc,… được mô tả, phản ánh, ghi nhận sắc nét. Các hồ sơ dự thi đó là các dự án này đều được đầu tư với số tiền lớn, sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ và đã có thị trường bao tiêu, không phải lo đầu ra và giá cả ổn định, tiết kiệm được sức lao động cũng như giải quyết được vấn đề lao động, việc làm cho người nông dân. Bên cạnh đó, một số dự án có quy mô đầu tư nhỏ vẫn được lựa chọn bởi tính áp dụng đơn giản, dễ dàng mà đem lại hiệu quả cao.”

Ngoài ra, việc ứng dụng Internet, mạng xã hội… trong quảng bá sản phẩm nông sản được những nông dân này tận dụng triệt để: sản phẩm có đầu ra ổn định, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, trong số các tác giả tham dự thi, độ tuổi được trẻ hoá, trẻ nhất là nhóm nông dân tham dự sinh năm 1992 đến từ Hà Nội với dự án ứng dụng trồng rau thông minh (EGarden), ông Hoài nói.

30 Dự án xuất sắc nhất lọt vào Chung khảo

Trưởng ban sơ khảo Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” cho biết thêm, ngay từ khi nhận được tác phẩm gửi về, Ban Tổ chức giải đã đánh giá, lựa chọn rất chặt chẽ. Theo đó, đã có nhiều bài viết được đăng tải trên báo NTNN/Dân Việt về các mô hình của nông dân áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Cuối cùng, Ban Sơ khảo đã quyết định chọn 30 dự án xuất sắc nhất để gửi lên Ban Chung khảo.

Các dự án thể hiện hấp dẫn, phong phú trên nhiều lĩnh vực như:

Về trồng trọt bao gồm nhiều loại cây trồng nông – lâm nghiệp như: nghiên cứu, lai tạo giống lúa mới an toàn, trồng rau an toàn năng suất cao, nấm linh chi, trồng cây ăn quả, thốt nốt, tiêu, điều, các loại hoa,…Ví dự như Dự án Nghiên cứu và lai tạo thành công 5 giống lúa chất lượng cao được thị trường ưa chuộng (LD2012; Ngọc Đỏ Hương Dứa; Tím Sen; Sen Việt; Chọn lại dòng phân li OM384).

 Các dự án theo hướng đầu tư thâm canh cao, áp dụng một số công nghệ mới trong sản xuất như: sử dụng màng phủ nông nghiệp, sản xuất trong nhà lưới, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại cao, sử dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, hạt giống lai F1, thuốc trừ sâu sinh học tạo sản phẩm an toàn, chất lượng. Một số mô hình nhà màng sản xuất rau ăn lá, ăn quả với mức độ đầu tư công nghệ cao khá hiện đại.

img

Chị Đặng Thị Cuối chăm sóc luống rau hữu cơ. Ảnh: Thu Hà

Một trong những dự án được lọt vào top 30 là Dự án "Trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao Cuối Quý". Dự án này được áp dụng công nghệ trồng rau của Đài Loan có cải tiến để phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiễn sẵn có. Hệ thống nhà màng có diện tích hơn 3.000m2, được lắp ghép bằng những chốt móc, có thể đàn hồi, xê dịch khi có gió bão. Đồng thời, áp dụng hệ thống tưới tự động có 3 chế độ tưới: Phun sương, phun tỏa, phun mưa, nước tưới rau được xử lý kỹ qua bể lọc. Ngoài ra, các giống rau được nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

img

Máy bay không người lái được ứng dụng khá nhiều trong sản xuất nông nghiệp 4.0. Ảnh: Danh Hùng

Về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản: Các dự án bao gồm việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến với lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vacxin thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường…

Các dự án ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường kiểm soát dịch bệnh, góp phần hỗ trợ chăn nuôi phát triển bền vững.

Phải kể đến Dự án "Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh" ở hai giai đoạn trong hồ khung sắt tròn lót bạt HDPE tuần hoàn nước áp dụng công nghệ biofloc của nông dân Long Văn Nghĩa ở Bạc Liêu.  Mô hình này cho năng suất từ 80 – 100 tấn/ha/năm, nuôi tôm 2 giai đoạn nên tăng số vụ lên 4 vụ/năm. Áp dụng quy trình nuôi biofloc giảm chi phí từ 10-2-% so với quy trình nuôi khác, nâng cao tỷ lệ thành công đến 75-90%, tạo ra sản phẩm tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhiều máy móc, mô hình nông nghiệp 4.0 “made in Việt Nam” ra đời

Về chế tạo các loại máy móc, nhiều nông dân chân đất đã phát minh sáng chế, tạo ra sản phẩm công nghệ cao “made in Việt Nam” ứng dụng trong nông nghiệp, có giá thành rẻ hơn so với công nghệ nước ngoài nhưng chất lượng tương tự.

Đơn cử như dự án của nông dân Nguyễn Ngọc Hiển ở Vũng Tàu với sáng chế ra "Hệ thống châm phân theo kiểu nông dân 4.0". Dự án sử dụng công nghệ đơn giản nhưng mang nhiều ưu điểm vượt trội so với các công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới. Chỉ với một bồn chứa duy nhất vẫn có thể sử dụng cho nhiều vị trí bón phân khác nhau trong trang trại. Dự án nhằm chia sẻ Hệ thống châm phân theo kiểu nông dân 4.0 mà nông dân có thể tự làm tại nhà để tiết kiệm chi phí cũng như đạt tối ưu hệ thống của họ.

Đồng thời, các dự án tập trung vào việc áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Israel, Mỹ, Nhật Bản,...cũng được nông dân áp dụng, hướng tới bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế cao và có tiềm năng thu hút được đầu tư.

img

Dự án EGarden là dự án ứng dụng trồng rau thông minh trên điện thoại di động, máy tính giúp nông dân có thể quản lý vườn rau ngay trên điện thoại hoặc máy tính. Đây là ứng dụng đâu tiên trên cả nước phụ vụ đôi tượng khách hàng có nhu cầu tự trồng rau ăn mà không có đất trồng rau. Chi phí đầu tư cuả dự án này là 2.728.000.000 đồng, triển khai trong vòng 10 tháng, từ 12.2016 – 8.2017.

Hay như mô hình của nông dân Nguyễn Thanh Tuấn đến từ Quảng Nam với sự ứng dụng công nghệ trong mô hình VAC rất hiệu quả. Với lĩnh vực trồng trọt, nông dân Nguyễn Thanh Tuấn đã sử dụng công nghệ thuỷ canh và tưới nhỏ giọt trong trồng rau, còn với chăn nuôi thì nuôi thì theo quy trình và có logo, hệ thống nhận diện thương hiệu, cho sản phẩm của mình.

Nhiều dự án còn sáng tạo theo hướng đầu tư công nghệ để tái chế chất thải nông nghiệp như trấu ép, mùn cưa để thay than đá, than tổ ong để tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn, các dự án nông nghiệp 4.0 này đều hướng tới bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế cao và có tiềm năng thu hút được đầu tư.

Các hồ sơ dự thi đó đều được đầu tư với số tiền lớn, sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ và đã có thị trường bao tiêu, không phải lo đầu ra và giá cả ổn định, tiết kiệm được sức lao động cũng như giải quyết được vấn đề lao động, việc làm cho người nông dân. Bên cạnh đó, một số dự án có quy mô đầu tư nhỏ vẫn được lựa chọn bởi tính đơn giản, dễ dàng áp dụng đem lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, việc ứng dụng Internet, mạng xã hội… trong quảng bá sản phẩm nông sản được những nông dân 4.0 này tận dụng triệt để: sản phẩm có đầu ra ổn định, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ngày mai (9.5), 30 Dự án xuất sắc nhất sẽ được Ban sơ khảo gửi tới Hội đồng Chung khảo xem xét, thẩm định các hồ sơ theo danh sách và lĩnh vực xét chọn để đưa ra kết luận, đánh giá dự án tham dự.

Sau đó, Hội đồng Chung khảo quyết định phương thức đánh giá, xét chọn Giải thưởng trên cơ sở các tiêu chí đã quy định. Đồng thời, Hội đồng Chung khảo quyết định việc đề xuất tổ chức đoàn thẩm định số liệu và khảo sát thực tế dự án có khả năng đoạt giải thưởng cuộc thi.

Trên cơ sở kết quả xét chọn các hồ sơ dự thi, Hội đồng Giám khảo sẽ đánh giá và kết luận cuối cùng về danh sách các dự án được trao giải “Tôi là Nông dân 4.0”. Dự kiến, BTC Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" sẽ trao giải trong tháng 6 tới đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem