Chính quyền – doanh nghiệp bắt tay bán nông sản
Mặc dù là thị trường tiêu thụ lớn và tiềm năng cho nông sản không chỉ của thành phố mà còn của các tỉnh lân cận, các vùng miền trong cả nước nhưng việc kết nối tiêu thụ hàng hóa của TP.HCM và các tỉnh còn nhiều hạn chế. Nếu không có sự liên kết mạnh mẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp TP.HCM với chính quyền, doanh nghiệp các địa phương thì các DN, HTX tại các tỉnh gặp khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm trực tiếp cho hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.HCM.
Nhận thức rõ những rào cản đó, thời gian vừa qua, TP.HCM không ngừng gia tăng việc kết nối tiêu thụ nông sản với nhiều tỉnh như Long An, Lâm Đồng, Bến Tre… nhằm kết nối, hỗ trợ người sản xuất, nhà tiêu thụ giữa các địa phương với TP.HCM.
Đơn cử như tại “Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản và nông sản chế biến của tỉnh Lâm Đồng vào hệ thống Co.opmart” vừa diễn ra tại TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cùng sự tham gia của hơn 20 hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị canh tác nông sản tại Lâm Đồng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.
Doanh nghiệp TP.HCM và Lâm Đồng trao đổi về hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Các đơn vị sản xuất của tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu hàng loạt các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ chế biến, đóng gói mới với bao bì bắt mắt và có tính năng phù hợp với xu hướng đảm bảo sức khỏe cho người dùng.
Nhân dịp này, các hợp tác xã đang chuyên canh cải thảo hỏa tiễn, dưa leo babi, cà chua beef, cà chua jerry, cải cầu vòng, gạo hữu cơ, nấm đông trùng hạ thảo, mật ong cà phê, macca thảo dược… tiếp cận với những quy định chặt chẽ, điều kiện để đưa sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ của TP.HCM nói chung, của Saigon Co.op nói riêng, từ đó bắt đầu hoàn thiện thủ tục cần thiết để sớm đưa hàng vào kinh doanh tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, dần mở rộng thị trường tại TP.
Ở phương diện là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Sở Công Thương TP.HCM và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ những chính sách, hoạt động mang tính quảng bá và kết nối hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tiêu thụ nông sản đầu ra, đồng thời cũng chia sẻ nhiều thông tin thị trường quan trọng giúp nhà vườn có định hướng trong sản xuất kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện Lâm Đồng đang xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với 235 đơn vị được tôn vinh với nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Riêng đối với rau có 209 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 1.717ha, diện tích sản xuất theo GlobalGAP là 21ha…
Với đặc thù khí hậu và quy mô vùng đất nuôi trồng rộng lớn, hiện nay tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra thị trường được rất nhiều mặt hàng từ loại cây trồng, nông sản, cây công nghiệp… áp dụng công nghệ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Nhiều sản phẩm nông sản có nguồn gốc và đảm bảo chất lượng được bán tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
Nông sản phải đảm bảo các điều kiện nhất định
Được biết, hiện chuỗi hệ thống các nhà bán lẻ tại TP.HCM mỗi năm tiêu thụ cho tỉnh Lâm Đồng hàng trăm nghìn tấn nông sản gồm các loại đặc sản và các loại rau củ quả: cải, cà rốt, su hào, ớt chuông, các loại cà chua, bí ngồi, cần tây, khoai lang, hàng chục loại hoa tươi cắt cành, hoa chậu để bàn với sức mua khá tốt hàng ngày.
Riêng hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang góp phần phân phối ra thị trường với sức tiêu thụ mỗi năm trung bình hơn 20.000 tấn nông sản Đà Lạt.
Cùng với Lâm Đồng, TP.HCM đã kết nối tiêu thụ nông sản cho nhiều địa phương như tại Bến Tre đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tham gia các chương trình kết nối, giúp các sản phẩm chủ lực của tỉnh này mở rộng thị trường vào TP.HCM như các sản phẩm mang tính truyền thống từ dừa (kẹo dừa, bánh phồng dừa, tinh dầu dừa, mỹ phẩm từ dừa…); các loại cây ăn trái, hàng nông sản thực phẩm đặc sản của Bến Tre.
Nông sản đưa vào TP.HCM phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn nhất định.
Hay tại tỉnh Đồng Tháp, 5 mặt hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, vịt và cá tra đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ… trên địa bàn TP.HCM.
Riêng tỉnh Long An, thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ, mỗi năm, các hợp tác xã cung cấp khoảng 225.000 con lợn, 130.000 con bò được giết mổ tập trung, 11.000 tấn tôm nước lợ, nhiều loại gạo đặc sản như Nàng thơm Chợ Đào, Tài Nguyên, Huyết Rồng cùng các loại gạo thơm, gạo nếp đáp ứng nhu cầu thị trường TP.HCM.
Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo, thanh long, đậu phọng, mè, rau, thịt, trứng, tôm, cá do nông dân tỉnh Long An sản xuất đã được các doanh nghiệp, các siêu thị nổi tiếng như Sài Gòn Co.op, Satra, Vissan, Lotte, BigC, Vinmart..., các chợ đầu mối thực phẩm, các chuỗi nhà hàng tại TP.HCM tiêu thụ mạnh.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM nhận định, để hàng hóa xuất xứ trong nước lấn át các sản phẩm nhập ngoại hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, các sản phẩm phải có mã truy xuất nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, bao bì nhãn mác đáp ứng các tiêu chuẩn tem nhãn của Nhà nước.
"Nếu cộng tác chặt chẽ với hệ thống phân phối bán lẻ thì các cơ sở sản xuất, HTX, hộ nông dân sẽ có thông tin để điều chỉnh sản xuất sao cho phù hợp với xu hướng, thuận lợi trong việc xâm nhập vững chắc vào hệ thống phân phối hiện đại", vị này nói.
Từ đó, lưu ý các doanh nghiệp, HTX, nhà vườn muốn đưa nông sản và nông sản chế biến vào thị trường TP.HCM, bên cạnh việc nắm thông tin về quy trình, thủ tục để đưa sản phẩm của mình vào kinh doanh tại siêu thị, các nhà bán lẻ, thì còn phải nắm rõ các điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình đầu vào theo quy định của mỗi hệ thống bán lẻ đặt ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.