Trồng bạt ngàn quả đỏ ruột trên đất bạc màu, làm giàu không khó

Cảnh Thắng Thứ bảy, ngày 07/09/2019 13:30 PM (GMT+7)
Từ đầu tư thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất bạc màu ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), đến nay lão nông Nguyễn Văn Hữu ở xóm Vạn Xuân luôn cháy hàng mỗi khi thu hoạch. Vườn thanh long ruột đỏ của ông Hữu hàng năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Bình luận 0

Từ vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”

Vùng đất thuộc xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) từ trước đến này là vùng đất bạc màu rất khó canh tác, nhất là đối với các loại cây ăn quả khó cho được hiệu quả kinh tế cao. Bởi khi quan sát vào chất đất có phần pha màu đỏ, nếu gặp trời mưa thì đất nhão choẹt, gặp trời nắng hạn thì đất khô quánh, nhiều đá và sỏi nên cây rất khó hấp thụ chất dinh dưỡng.

Thậm chí cây chủ lực như ngô, lạc trồng đất Giai Xuân cũng kém năng suất. Nơi đây xưa nay người dân chỉ quen trồng cỏ, sắn cao sản, tràm,…những loại cây kém hiệu quả kinh tế, mà chỉ mang tính chất phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

img

Cây thanh long ruột đỏ trồng trên vùng đất bạc màu xã Giai Xuân cho thu nhập cao. Ảnh: Cảnh Thắng 

Để tìm hướng đi cho người dân địa phương, nhằm phát triển kinh tế tại vùng đất này theo hướng đi bền vững, được sự nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng, hỗ trợ về chuyên môn của Hội làm vườn huyện Tân Kỳ, năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Hữu ở xóm Vạn Xuân (xã Giai Xuân), bắt đầu thử nghiệm trồng 600 gốc thanh long ruột đỏ đầu tiên với diện tích 0,4 ha.

Quá trình trồng thử nghiệm ban đầu, nhờ học hỏi được kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ ở nhiều địa phương khác, sau gần 2 năm chăm sóc 0,4 ha thanh long của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên được gần 2 tấn, với giá thời điểm này là 22.000 đồng/kg thu về gần 44 triệu đồng. Thấy việc trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, chăm sóc lại rất đơn giản nên gia đình quyết định trồng thêm 900 gốc mới, nâng tổng số gốc thanh long là 1.500 gốc trên diện tích là 1 ha.

Năm 2018, vườn thanh long phát triển mạnh hơn, tán cây lớn hơn, nên năng suất cho quả nhiều hơn đạt được 6 tấn,với giá giao động từ 22.000 đồng đến 23.000 đồng, thu về 120 triệu đồng.

Vụ thu hoạch năm 2019, dự kiến vườn thanh long của nhà ông Hữu, sẽ cho hơn 10 tấn quả giá hiện nay nhập tại vườn giá giao động từ 28.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Để có được như ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Hữu tâm sự: Gia đình tôi sau một thời gian nghiên cứu, chọn cây giống cho phụ hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng đất nơi mình sinh sống; cuối cùng đăn đo mãi tôi chọn cây thanh long ruột đỏ, loại cây cho thu nhập cao hơn nữa giống cây này phù hợp với vùng đất khô hạn.

Tuy nhiên để trồng được loại cây thanh long ruột đỏ, dù nó phù hợp với vùng đất bạc màu nhưng cũng  phải chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, dùng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây theo hướng sạch. Ông Hữu xây bể nước ở trên cao, bắt vòi tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, để chủ động nguồn nước, cây trồng không phụ thuộc vào thiên nhiên, luôn đảm bảo độ ẩm và dinh dưỡng cho cây, nên cây phát triển tốt...

img

Hơn 1h đất bạc màu được trồng cây thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Văn Hữu cho thu nhập hớn 300 triệu/năm. Ảnh: Cảnh Thắng

“Từ  khi trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ đến nay, kinh nghiệm và tay nghề của tôi ngày một thành thạo. Cây thanh long của gia đình tôi luôn phát triển xanh tốt, năng suất năm sau sẽ cao hơn năm trước, thanh long thu hoạch thường kéo dài từ tháng 5 âm lịch đến tháng 10 âm lịch, nên có thời gian để chuẩn bị cho phân phối thị trường. Nói chung cây thanh long nhà tôi mỗi khi thu hoạch là có người vào thu mua hết, không có để bán lẻ...” ông Hữu hồ hởi cho biết.

Đến thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm

Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch UBBND xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ cho hay: “Vùng đất xã tôi từ xa xưa là vùng nổi tiếng đất đai cằn cỗi, không hề trồng được cây gì có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao được. Mấy năm trở lại đây, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hữu đã mạnh dạn đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng, thấy cây phát triển tốt và nhiều quả cho thu nhập cao nên cũng mừng. Đây là hướng đi mới, loại cây ăn quả mới được trồng trên vùng đất này. Thời gian tới chúng tôi sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này nhằm xóa đói giảm nghèo cho địa phương.”.

img

Gia đình ông Nguyễn Văn Hữu thu hoạch thanh long ruột đỏ bán cho thương lái. Ảnh: Cảnh Thắng

Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, hàng tháng cứ đến ngày rằm hay ngày mồng một, ông Hữu cũng gia đình bắt đầu thu hoạch quả thanh long. Và cứ thế, các thương lái thường đến tận vườn để đặt mua, ngoài ra ông đóng vào thùng có địa chỉ của gia đình, rồi chuyển xuống xe đi phân phối ở các địa điểm lớn như: TP Vinh, Hà Nội, Huế,… nên sản phẩm của ông ngày khách hàng biết đến càng nhiều, sản xuất được từng nào đều bán hết và không đủ cung cấp ra thị trường.

Không những là người tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất bạc màu Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) ông Hữu còn trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây trên mảnh đất của gia đình: gồm 0,1ha cam, 0,7ha quýt PQ, trồng mít Thái và thanh long ruột đỏ...

Đánh giá nhận xét các loại cây ăn quả này thì ông Hữu cho hay “Cam trồng trên vùng đất này rất khó có hiệu quả, quýt PQ cũng tạm được, mít thì cây phát triển tốt nhưng chưa có quả nên chưa đánh giá được, còn thanh long ruột đỏ đã cho kết quả cụ thể rồi, nhìn chung thì thanh long cũng dễ có đầu ra nhất, trong thời gian tới tôi sẽ trồng thêm 500 gốc thanh long nữa cho tròn 2.000 gốc, đây là cây chủ lực trong gia đình”.

img

Mỗi khi thu hoạch, quả thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu được thương lái thu mua ngay tại vườn. Ảnh: Cảnh Thắng

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn Nghệ An, mới chỉ xuất hiện khoảng 4 năm trở lại đây, gồm các địa phương như: Diễn Phú ( Diễn Châu); Xuân Sơn (Đô Lương); Tam Quang (Tương Dương); Giai Xuân (Tân Kỳ),…bước đầu đã đạt được những thành quả và kết quả nhất định, tạo thuận lợi cho loài cây có giá trị kinh tế này phát triển, và nhân rộng mô hình.

Trao đổi vến đề này, ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho rằng: “Thanh long ruột đỏ là loài cây trồng thành hàng hóa, còn khá mới trồng trên đất Nghệ An, chất lượng ngọt, dễ trồng chịu hạn tốt, chăm đúng quy trình kỹ thuật cho năng suất cao, quả thu hoạch kéo dài và thường xuyên nên đầu ra thuận lợi hơn, được khách hàng ưa chuộng. Về lâu dài có thể phát triển thanh long ruột đỏ trên diện rộng, thành cây chủ lực của một số địa phương. Tuy nhiên cơ quan chức năng cần định hướng người dân, phát triển trồng cây thanh long ruột đỏ, theo quy hoạch để cân đối cung – cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm được tốt hơn, tránh được mùa mất giá”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem