Chuyển hướng sản xuất
Xã Chiềng Xôm cách TP.Sơn La khoảng 5km, có khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc trồng hoa. Đặc biệt, hoa hồng được đưa vào chuyên canh trên vùng đất này phát triển tốt; cây sinh trưởng khỏe, hoa tươi lâu, bền màu nên rất được thị trường ưa chuộng.
Người dân xã Chiềng Xôm chuyển đổi diện tích lúa sang trồng hoa chất lượng cao. Ảnh: D.V
HTX Hoa cao cấp và những vườn hoa trên địa bàn xã Chiềng Xôm hiện nay thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 400 đến 500 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tạo việc làm cho người dân sở tại, các vườn hoa ở đây còn nhận và tạo việc làm thêm cho người lao động ở các huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai.
|
Nhiều năm nay, ông Lưu Văn Quang, tại bản Panh Mong, xã Chiềng Xôm đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng hoa chất lượng cao. Do chuyên sâu về kỹ thuật trồng hoa chất lượng cao nên vườn hoa của ông có nhiều sự khác biệt và nổi bật hơn các vườn khác.
Ông Lưu Văn Quang cho hay, ngoài chuyên canh hoa hồng, ông đã đầu tư 1.200m2 đất để trồng các loại hoa chất lượng cao với công nghệ cao. Nổi bật là các khóm hoa phăng, hoa ly, hoa tulip, hoa lay-ơn... được trồng thí điểm dưới dàn phun sương bắt đầu cho kết quả tốt. Rất nhiều thương lái và nhà phân phối tìm đến vườn của ông để mua các loại hoa này trong đợt Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua. “Qua vụ thu hoạch đợt Tết vừa qua, tôi nhận thấy nhu cầu về thị trường về các loại hoa vẫn rất lớn. Như nhà tôi phải mở rộng diện tích lên gấp 3 lần mới đủ” – ông Quang chia sẻ. Thu nhập từ trồng hoa của gia đình ông Quang đã đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm.
Đầu tư theo hướng công nghệ cao, với hàm lượng kỹ thuật cao cũng là mục tiêu của HTX hoa cao cấp Hà Duy Thưởng. Ngay khi thành lập năm 2011, Ban quản lý HTX đã bàn bạc phương án nhận thầu những diện tích đất ruộng kém hiệu quả của bà con ở các bản như bản Hụm, bản Tông, bản Ái, bản Panh Mong, bản Lả Mường để trồng hoa. Tuy nhiên, việc vận động gặp không ít khó khăn do lúc đầu bà con chưa nhất trí, chưa tin tưởng vào hiệu quả của việc chuyển đổi này. Dần bà con đã hiểu và đồng ý giao đất cho Hợp tác xã Hà Duy Thưởng nhận thầu theo thỏa thuận. Nhiều con em trong các gia đình được hợp tác xã tạo điều kiện vào lao động, có thêm thu nhập cho gia đình.
Những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi khi người dân nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng hoa cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, đến nay HTX đã vận động nông dân trong xã và các xã lân cận chuyển đổi được 50ha đất trồng lúa sang trồng hoa, giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền thuê đất được HTX chi trả trả hàng năm), thu nhập từ trồng hoa đạt trên 300 - 400 triệu đồng/ha.
Ông Đỗ Duy Thưởng - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hoa cao cấp cho biết: Năm 2013, HTX được thành phố hỗ trợ 70 triệu đồng làm đường điện phục vụ sản xuất và đầu tư trên 60 triệu đồng làm nhà lưới trồng hoa công nghệ cao, đồng thời cho HTX thuê trụ sở và nhà trưng bày sản phẩm với diện tích 740m2. Hiện nay, HTX đã làm xong nhà điều hành và cửa hàng trưng bày sản phẩm, tổng giá trị đầu tư xây dựng gần 1 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư làm nhà công nghệ cao, kho lạnh để chứa sản phẩm bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho xã viên.
Nông dân công nghệ cao
Sự phát triển của những vườn hoa chất lượng cao cũng biến những người nông dân địa phương, vốn chỉ quen trồng lúa thành những công nhân lành nghề, am hiểu kỹ thuật. Chị Đỗ Thị Cẩm ở bản Panh, xã Chiềng Xôm cho biết: So với trồng lúa, trồng hoa đỡ vất vả hơn mà thu nhập lại cao hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố kỹ thuật, phải để ý tới nhiệt độ, thời tiết cũng như đất đai. Chẳng hạn để có được những bông hồng nhung đỏ thắm, không bị gió và sương muối làm thâm cánh, chúng tôi phải bao bọc những chiếc nụ từ khi còn hé nở. Với hoa ly, lay ơn, phăng... quy trình chăm sóc càng tỉ mỉ. Để những luống hoa đua hương, khoe sắc đúng dịp lễ tết, phải luôn “lắng nghe” và cảm nhận tình hình thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng cho hoa bắt đúng thời điểm vàng”. Bên cạnh đó, phải thường xuyên quan sát tình hình diễn biến của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ tích cực.
Theo ông Lèo Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã này, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, các tỉnh lân cận cũng như một số thành phố lớn, diện tích trồng hoa các loại năm 2017 của toàn xã sẽ tăng khoảng 7ha so với năm 2016, nâng tổng diện tích trồng hoa trên địa bàn lên gần 40ha.
“Bên cạnh việc tích cực chuyển giao các biện pháp kỹ thuật chăm sóc hoa, xã sẽ chủ động hướng dẫn các hộ trồng hoa cách phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với các hộ trồng mới sẽ được hỗ trợ giống hoa mới có năng suất, chất lượng cao, đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất” – ông Hưởng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.