Vào thời điểm giáp tết, cơ sở trồng nấm sò của gia đình anh Quàng Văn Tuấn, dân tộc Thá, bản Bó (xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang hoạt động hết công suất, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ các đơn hàng trong dịp tết sắp tới.
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, nấm sò của anh Tuấn luôn cháy hàng.
Anh Tuấn cho biết: “Trước kia khi chưa bén duyên với nghề trồng nấm, tôi từng làm nhiều nghề, trồng nhiều loại cây nhưng không có hiệu quả kinh tế cao. Bản thân tôi luôn trăn trở nuôi con gì, trồng cây gì để làm giàu. Sau nhiều lần đi tìm hiểu mô hình trồng nấm sò ở xã Chiềng Ngần (Sơn La), đến năm 2017 tôi mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn 100 triệu đồng và vay thêm anh em 50 triệu đồng mua nguyên vật liệu làm trại trồng nấm...".
Có vốn, anh Tuấn mua nấm sò về trồng trên diện tích hơn 500m2 và kết quả thật bất ngờ, dù mới đưa về trồng nhưng cây nấm phát triển rất tốt.
Anh Tuấn cho hay: "Khi trồng nấm đòi hỏi người trồng phải có tính kiên trì và chăm sóc cầu kỳ, có như vậy nấm mới phát triển tốt".
Nấm sò là loại nấm có nhiều dinh dưỡng, dễ ăn và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon khác nhau. Nấm sò cũng được các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán lẩu...tiêu thụ mạnh trong mùa đông.
Hiện nay anh Tuấn trồng nấm sò trên diện tích hơn 500m2.
“Năm nay thời tiết thuận lợi nấm sò phát triển rất tốt, do sản phẩm nấm tại trại của tôi được trồng theo quy trình sạch, khép kín.Trong quá trình trồng nấm ngoài nguồn nguyên liệu chính từ rơm rạ, mùn cưa, gia đình tôi còn bổ sung thêm cám ngô, bột đậu tương nên cây nấm luôn mập mạp, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, được khách hàng ở các tỉnh lân cận rất ưa chuộng”- anh Quàng Văn Tuấn cho biết thêm.
Để tạo môi trường tốt cho nấm phát triển, anh Tuấn lấy vôi để khử trùng quanh trại trồng nấm.
Theo kinh nghiệm của anh Tuấn: “Để nấm phát triển tốt và cho năng suất cao, khi làm trại bà con cần chọn khu đất không được ngập đọng khi có mưa lớn, không quá gần trại chăn nuôi (heo, gà, bò…), có nguồn nuớc sạch để tưới cho trại nấm. Bởi nấm phát triển trong môi trường sạch, do đó cần phải khử trùng trại trước khi mang bịch phôi về nuôi trồng từ 10 -12 ngày.
Cây nấm sò cũng sống chủ yếu nhờ vào độ ẩm và nhiệt độ, do đó việc thiết kế trại nuôi trồng cần đảm bảo điều kiện cho cây nấm phát triển. Nhiệt độ ẩm cần thiết để nấm sò phát triển là khoảng (80 – 95%), nhiệt độ trong trại phải bảo đảm 23 - 28 độ C. Dây treo các bịch nấm nên làm bằng nilon, mỗi dây treo từ 5 - 6 bịch phôi tùy theo chiều cao người chăm sóc. Ngoài ra, các chủ trại cần tạo lối đi trong trại để thuận lợi cho việc chăm sóc cũng như thu hái nấm”.
Trong những ngày giáp tết, nhiều khách hàng và tiểu thương tranh giành nhau vào trại nấm anh Tuấn thu mua.
Hiện giá nấm sò trên thị trường tỉnh Sơn La có giá bán buôn dao động từ 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg, đối với thị trường bán lẻ là 45.000 đồng/kg. Lý giải về nhu cầu về nấm sạch tăng cao trong dịp cận tết, anh Tuấn cho hay: Nấm là loại thực phẩm khá nhiều dinh dưỡng, thậm chí nhiều loại nấm về mặt dinh dưỡng còn không thua kém gì thịt bò. Mặt khác, nấm lại dễ ăn và dù có nấu kiểu gì ăn vẫn ngon, không gây cảm giác chán ngấy như thịt nên được nhiều người ưa thích.
Sau khi thu hoạch, nấm sò được anh Tuấn đóng gói vào túi nilon cung cấp ra thị trường.
Vào những ngày giáp tết nhu cầu về nấm sạch trên thị trường đang tăng cao, nên gia đình anh Tuấn không có đủ hàng để bán. Hàng năm chỉ tính riêng tháng cận tết, gia đình anh Tuấn xuất ra thị trường khoảng 3 tấn nấm sò, chủ yếu là thị trường trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sau khi trừ hết chi phí, anh Tuấn bỏ túi được hơn 70 triệu đồng. Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu tính tổng 1 năm, tôi cung cấp ra thị trường gần 10 tấn nấm, sau khi trừ chi phí tôi lãi khoảng 300 triệu đồng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.