Đây là lễ tôn vinh lần đầu tiên do Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phối hợp tổ chức. Trong hơn 100 hồ sơ đăng ký trên cả nước, Ban tổ chức đã chọn lọc và trao 11 cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, 1 cúp vàng trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ, 28 cúp cho sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, 1 cúp cho đơn vị có công đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp hữu cơ.
Chủ tịch Hà Phúc Mịch trao giải cho các đơn vị, cá nhân điển hình
Tiêu chí để bình chọn các điển hình tiên tiến phải là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh; tích cực xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; có những sáng kiến được vào ứng dụng; vào sản xuất, kinh doanh; tham gia bảo vệ môi trường sinh thái… Và các đơn vị còn phải đảm bảo các tiêu chí về doanh thu, nghĩa vụ nộp thuế và góp phần tích cực vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Cung cấp cho thị trường mỗi tháng 50 – 70 tấn sản phẩm hữu cơ, vùng sản xuất rau hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) được biết đến như điển hình phát triển nông nghiệp hữu cơ thành công ở miền Bắc. Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch hội nông dân xã Thanh Xuân cho biết sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn.
“Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất cũ của nông dân. Việc đồng hành tích cực cùng nông dân cũng cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để tạo nên chuyển biến chung”, bà Hậu chia sẻ.
Phát biểu tại lễ vinh danh, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết nông nghiệp hữu cơ là nhu cầu tất yếu dù con đường phát triển vẫn còn không ít khó khăn.
“Lễ tôn vinh là cơ hội khẳng định và vinh danh cho những nỗ lực không mệt mỏi của các tập thể, cá nhân trên con đường phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, bền vững”, ông Mịch khẳng định.
Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng cho biết trong thời gian tới sẽ tích cực xúc tiến để ra bộ quy chuẩn riêng tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ trong nước phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.