Sau 2 lần nhập ngũ tham gia 2 cuộc chiến tranh chống Mỹ và biên giới phía Bắc, năm 1981 ông Lường Văn Hợp, bản Nông Cốc, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (Sơn La) trở về quê nhà làm công tác xã đội. Như bao hộ khác nơi đây, gia đình ông cũng nghèo. “Năm 1996, tôi mua 4 con dê nuôi sinh sản. Cứ nhân đàn, trong hơn 2 năm tôi đã có tới hơn 100 con dê…” - ông Hợp kể.
Ông Hợp (thứ 2 bên phải) cùng dân bản bên những gốc thông đang khai thác nhựa. Ảnh: K.T
Năm 1998, ông Hợp được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ. Để làm gương cho bà con, ông bàn với vợ bán hết đàn dê chuyển sang chăn nuôi trâu, bò tạo giá trị kinh tế lớn hơn. Vận dụng những kiến thức chăn nuôi, đàn bò của ông Hợp sinh sản đều.
Đã có lúc đàn bò của ông lên tới 80 con. Rồi ông nuôi thêm lợn, gà, vịt, đào ao thả cá nên cuộc sống khấm khá hẳn. Ông Hợp chỉ tay ra những cánh rừng xanh ngắt xung quanh nhà tự tin nói: "Trên đất rừng, tôi trồng thông và cây táo sơn tra. Lúc đầu ai cũng cười tôi, nhưng bây giờ thì là nguồn thu tiền tỷ rồi đấy".
Ông Hợp kể, với bà con các dân tộc, việc hạn chế phá rừng đã là một cố gắng không nhỏ, trong khi vận động bà con trồng và bảo vệ rừng lại là cả một quá trình. Ông Hợp và nhiều cán bộ khác phải gương mẫu nhận trồng và bảo vệ rừng trước, bà con mắt thấy tai nghe thì mới làm theo.
Nhiều hộ chưa có kinh nghiệm, kỹ năng, đích thân ông Hợp là người hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”. Cuộc sống ổn định, khấm khá hơn, niềm tin của dân bản với nhà nước càng tăng lên. Hiện, ông Hợp đã có 149ha rừng trồng, trong đó có 20ha cây sơn tra đã cho quả.
Năm 2014, gia đình ông Hợp đã khai thác được 9 tấn nhựa thông vụ đầu tiên, thu về xấp xỉ 300 triệu đồng. Ngoài khai thác nhựa, chỉ vài năm nữa, gỗ thông sẽ đem lại thu nhập không nhỏ cho gia đình ông Hợp và nhiều hộ khác trong và ngoài xã Long Hẹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.