Dủ dẻ, hay còn gọi là dũ dẻ, dũ dẻ trâu... có tên khoa học là Anomianthus dulcis, thuộc chi Anomianthus trong họ Na (Annonaceae). Ở Quảng Ngãi, loại cây này mọc nhiều ở vùng ven đồi, bìa núi vùng đồng bằng. Có khi mọc riêng một mình hoặc xen lẫn với các loài cây bụi khác.
Chùm quả dủ dẻ rừng
Cây dủ dẻ trưởng thành có chiều cao thường từ 0,5-1,5m. Tuy nhiên có nhiều cây lâu nay cao đến hơn 2m. Lá dủ dẻ có hình bầu dục, dài từ 10–15 cm, rộng 4–6 cm. Hoa có màu vàng nhạt và rất thơm. Quả dủ dẻ chỉ nhỉnh hơn ngón tay út người lớn một chút, mọc thành chùm, với số lượng từ 3-8 quả/chùm, khi non có màu xám nhạt và lúc chín thì màu vàng, thịt mỏng và có vị ngọt thanh.
Dủ dẻ rừng mọc khá nhiều ở khu vực ven đồi, bìa núi ở đồng bằng
Dủ dẻ ra trái gần như quanh năm, thế nhưng nhiều nhất là trong mùa hè. Theo đó cứ vào thời gian này, trẻ con ở vùng thôn quê thường hay í ới gọi nhau đi tìm hái dủ dẻ để ăn, đồng thời hái cả hoa để ngửi, hoặc bỏ vào túi quần áo cho thơm.
Hoa dủ dẻ có màu vàng nhạt và mùi rất thơm
Vì mọc rải rác, trái bé và số lượng quả chín ở mỗi cây không nhiều cho nên loại quả này thường được người dân vùng quê tiện thể tìm hái khi đi lao động ở khu vực ven đồi núi để mang về cho con trẻ ăn, chứ hiếm thấy ai tìm hái để bán.
Niềm vui của trẻ khi có được chùm dủ dẻ rừng
Cơm mỏng, nhưng vị ngọt thanh
Dù mọc phổ biến và quả chín thường được tìm hái ăn như vậy, thế nhưng không nhiều người biết một số bộ phận của dủ dẻ còn có công dụng khác. Theo một số tài liệu khoa học thì lá dủ dẻ được sử dụng để nấu nước uống giúp tiêu hoá tốt. Ở Thái Lan, hoa khô được sử dụng làm thuốc bổ huyết, tạo huyết, hoặc chiết suất tinh dầu, nước hoa...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.