Nay ngoài lúa và rau màu trên đất lúa hay thanh trà, nhiều xã đã hình thành các vùng cây trái theo nhiều hướng mới như vú sữa, thanh long, mận xanh đường.
Vườn mận xanh đường lứa 1 năm tuổi của nhà ông Phạm Văn Sơn vào vụ cho trái.
Mùa vàng, sắc xanh cây trái
Từ tết đến nay, đi dọc đường dẫn lên cầu Cần Thơ, người lưu thông dễ bắt gặp những sắc trái vàng, xanh, tím dọc các lều ven lộ. Đó là trái thanh trà, mận xanh đường, vú sữa các loại người dân sở tại bán cho khách ngược xuôi.
Ngoài bưởi Năm Roi Mỹ Hòa trứ danh, thanh trà ở xã Đông Thành quen thuộc, giờ qua vùng Bình Minh, người ta còn định danh thêm các loại cây trái nói trên đến từ các xã Đông Bình, Đông Thạnh, Đông Thành.
Nhà ông Phạm Văn Sơn (ấp Đông Hậu, xã Đông Bình) trồng 5 công mận xanh đường lứa được 1 năm, lứa trước đó 2 năm rưỡi.
Chỉ trừ các tháng mưa không cho trái, giống mận có thể để trái quanh năm nên mùa nào ông cũng có bán.
Vào mùa rộ giá thấp nhưng cũng không rớt dưới 6.000- 7.000 đ/kg, mùa hút hàng như các tháng nắng này, tùy sản lượng và thời điểm ông Sơn cân cho lái cũng từ 9.000-11.000 đ/kg.
Ông Sơn cho biết trồng mận xanh đường công cán và chi phí đầu tư ít hơn so trồng thanh long hay bưởi Năm Roi. “Trồng khoảng 1 năm cho trái, cây này nhanh ăn, công cán không nhiều.
Cây cho trái thì bỏ công ra bọc, thương lái tới thì mở bọc ra hái”- ông nói thời gian, công sức, chi phí đầu tư cho vườn mận và cho rằng với điều kiện vậy, mỗi công trồng mận xanh đường, có nhà vườn tính toán có thể thu nhập 50 triệu đồng một năm.
Ông Sơn nói chăm sóc vườn mận thì vợ chồng ông kham khỏe. Chỉ lúc bọc trái và mở bọc ra hái bán thì mới mướn thêm người. Bọc đó sau mùa này sẽ dùng tiếp cho mùa trái tới.
Cán bộ phụ trách nông nghiệp thuộc UBND xã Đông Bình Thạch Mo Nát nói với chúng tôi thực tế sản xuất: giờ trồng gì cũng bọc hết, từ mận tới ổi, xoài...
Trừ trái thanh long là không bao lại. Nhà vườn cũng như cán bộ nông nghiệp cho rằng ngoài giá cả, đầu ra, thì yếu tố sản xuất chỉn chu, phù hợp sẽ là yếu tố giúp nông sản cạnh tranh và lợi nhuận hơn.
Thanh trà là một trong các loại cây trái được định danh ở TX Bình Minh. Năm nay, thanh trà trúng mùa, được giá. Ngoài bán trái theo ký, người dân thêm sản phẩm trái thanh trà ngào đường.
Không thuần một cây trái chủ lực nào, nhưng những cây trái nông nghiệp người nông dân Đông Bình hiện tham gia sản xuất và ngày một tăng diện tích, quy mô như bưởi Năm Roi 35,5ha, cam sành 25ha, thanh long 15,5ha và mận xanh đường đang có 12ha hay chanh không hạt cũng rải rác khắp xã.
Xoay vòng rau màu trên đất lúa
Rẫy đậu bắp của nhà ông Đỗ Hoàng Minh ở ấp Đông Hòa 2 đang mùa thu hái, lái đến tận rẫy cân mua.
Xuôi theo QL54 về Đông Thành, chúng tôi tìm vào rẫy đậu bắp nhà ông Đỗ Hoàng Minh. 4- 5 ngày nay, ông thu hoạch 3 công đậu bắp, lái đến rẫy cân, giá hiện tại 7.000 đ/kg. Ông Minh nói mấy ngày nay mỗi ngày hái tầm 150kg, nhưng 5- 7 ngày nữa hái rộ lên 200- 250kg.
Nói giờ phong trào rau màu xuống ruộng như xu thế của cơ cấu lại nông nghiệp, ông Minh cho biết với giá bán đậu bắp khá cao đó, người dân thu ít nhất 15-16 triệu đồng mỗi công đất rẫy, trừ chi phí thì còn lời gấp nhiều lần lúa.
Vị Bí thư kiêm Trưởng ấp Đông Hòa 2 Đỗ Hoàng Minh còn nói từ khi có con lộ mở nối QL54 sang Hương lộ 26 Tháng 3 bên phía Ngãi Tứ, bà con bên Đông Thành cũng như bên Ngãi Tứ tự thấy hoặc theo vận động của chính quyền mà chuyển nhiều diện tích sang trồng màu trên đất lúa.
Cho biết cả ấp hiện tại có khoảng 16,5ha màu, ông Minh còn nói sau trồng màu 1- 2 năm, đất quai thì có thể trồng cam hay bưởi tốt hơn. Thực tế Đông Thành cũng như Đông Bình có số lượng lớn diện tích trồng bưởi Năm Roi và cam sành.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thành Sơn Rưa cho biết: Toàn xã có gần 300ha bưởi Năm Roi, khoảng 20ha thanh trà. Thanh trà năm nay trúng mùa được giá, bà con bán 40.000- 50.000 đ/kg.
Còn cây màu và màu xuống ruộng diện tích tầm 40,6ha, đa số trong đó trồng đậu bắp, dưa leo, bắp, cải tùa xại,... Trong phát triển nông nghiệp, xã Đông Thành vận động và người dân mạnh dạn chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang màu và cây ăn trái để nâng cao thu nhập.
“Thuận lợi là đại bộ phận bà con mình bây giờ đã biết mùa nào trồng cây gì, nuôi con gì là chủ lực. Phía chính quyền sẽ phối hợp cơ quan chức năng đầu tư, hỗ trợ kịp thời để người dân đưa vào canh tác, từ đó làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp”- ông Sơn Rưa nói.
Cần sản xuất tập trung và liên kết tiêu thụ
Đây được cho là vấn đề đặt ra cho sản xuất nông nghiệp nói chung các nơi chứ không riêng TX Bình Minh. Theo ông Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh, chuyển dịch cây trồng ở địa phương những năm qua có khởi sắc ở mảng chuyên canh cây ăn trái, chuyên canh màu và rau màu xuống ruộng. Phía rau màu, ngoài xà lách xoong còn có nhiều loại rau cải; lĩnh vực cây ăn trái có bưởi Năm Roi và hiện phát triển khá mạnh các cây trồng như mận xanh đường, thanh long, vú sữa. Và chính ở đó cần phải sản xuất tập trung (như hình thành tổ sản xuất, hợp tác xã) và liên kết tiêu thụ (từ đầu tư, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp với nông dân đến kết hợp làm du lịch) nhằm nâng giá trị ngành sản xuất.
|
Tường Vân (Báo Vĩnh Long)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.