Vốn gốc vay có 30 triệu đồng, 5 năm sau lãi cả đàn bò

Văn Chiến - Quốc Định Thứ năm, ngày 10/08/2017 15:40 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, hàng nghìn nông dân nghèo ở huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ đã thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng...Có hộ vay 30 triệu đồng, sau 5 năm lãi cả đàn bò...
Bình luận 0

5 năm vay vốn, lãi 7 con bò

Đó là câu chuyện của gia đình ông Cà Văn Biến, dân bản Nà Hốc, xã Bó Mười (huyện Thuận Châu). Nói về con đường thoát nghèo, ông Biến cho biết: Trước khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Vợ chồng lam lũ quanh năm, vất vả với nương rẫy, ruộng đồng mà cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Hàng năm,  mỗi khi đến mùa giáp hạt, gạo ăn phải nhờ vào sự cứu trợ của Chính phủ.

img

Đàn bò của người dân xã Púng Tra có được từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: V.C 

Tính đến 31.7, Ngân hàng CSXH Thuận Châu có tổng dư nợ hơn 435 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo hơn 200 tỷ đồng, đạt gần 50% tổng dư nợ. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ.  
 

Không cam chịu đói nghèo, ông Biến bàn với vợ xin vào tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã. Được cán bộ hướng dẫn làm các thủ tục, ông mạnh dạn vay 20 triệu đồng mua 2 con bò về nuôi. “Xác định cặp bò chính là cần câu cơm của cả gia đình nên vợ chồng tôi chăm sóc chúng rất cẩn thận. Chỉ sau một năm, 2 con bò giống đã cho vợ chồng tôi 2 bê cái mập mạp. Vợ tôi bảo bán lấy tiền trả lãi ngân hàng, chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày nhưng tôi quyết đinh giữ lại nuôi để nhân đàn. Nhờ đó, đàn bò của gia đình tăng dần qua các năm. Cuối năm 2016, tôi bán 3 con bê đực, trả hết nợ ngân hàng và dư được 7 con bò cái. Hiện 3 con đã có chửa. Nếu không được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, thì gia đình tôi có lẽ chưa thoát khỏi đói nghèo”.

Hộ ông Lò Văn Dâu - người  dân tộc Thái ở bản Cắm, xã Thôm Mòn cũng đã thoát khỏi cảnh đói nghèo đeo đuổi nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Năm 2013, ông Biến được vay 30 triệu đồng. Ông mua 3 con bò giống, làm chuồng nuôi nhốt cẩn thận. Được chăm sóc tốt, đàn bò phát triển nhanh, mỗi năm đẻ một lứa. Bê cái được ông Dâu giữ lại nuôi để nhân đàn, còn bê đực ông đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. 

“Nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, song vì nhà neo người nên vừa rồi tôi bán gần chục con bò lấy vốn mở cửa hàng tạp hóa... Tôi cũng đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã” – ông Dâu kể.

Quản lý tốt nguồn vốn

Ông Đào Ngọc Dương – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu, cho biết: Để hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thể tiếp cận vốn vay nhanh  chóng và hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện đã đặt điểm giao dịch tại 29/29 xã, thị trấn. Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện ký ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương với 13 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất với 48,5%.

Cũng theo ông Dương, các tổ chức hội đã tham gia giám sát tại các cuộc họp bình xét cho vay tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng bình xét của các tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng được thụ hưởng; giúp nhau  quản lý và sử dụng đồng vốn tốt hơn.

Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu thường xuyên duy trì lịch giao dịch tại các xã để làm tốt công tác cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, giao ban tuyên truyền các chế độ chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương. “Vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành một kênh tín dụng hỗ trợ cho sự giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn.” – ông Dương nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem