Vụ tàu 67: Sếp công ty đóng tàu cầu cứu vì ngư dân...không nhận tàu

Trương Hồng Thứ bảy, ngày 31/03/2018 11:27 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp đóng tàu cho rằng đã lắp máy và bàn giao tàu cho ngư dân, nhưng ngư dân lại từ chối nhận tàu. Trong khi đó, ngư dân cho rằng phía doanh nghiệp đóng tàu chưa lắp đầy đủ thiết bị như hợp đồng ban đầu nên không nhận.
Bình luận 0

Sếp công ty đóng tàu viết đơn "cầu cứu" tỉnh

Ngày 30.3, Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) đã gửi đơn “cầu cứu” đến các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan báo chí xung quanh việc bàn giao tàu sắt thuộc Nghị định 67 (NĐ) cho ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), nhưng ngư dân Liên không nhận tàu. Việc không nhận tàu này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản khi hiện tại ngư dân Liên còn nợ doanh nghiệp gần 10 tỷ đồng.

img

Tàu sắt thuộc NĐ 67 của ngư dân Trần Văn Liên vẫn còn nằm bờ chưa bàn giao vì hai bên doanh nghiệp đóng tàu và ngư dân chưa thống nhất

Theo đơn “cầu cứu” của ông Nguyễn Quang Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy cho biết: Ngày 30.3.2018, đã hơn 3 tháng kế từ ngày thông báo lần đầu, và sau đó Bảo Duy đã nhiều lần hối thúc phía ngư dân Trần Văn Liên nhận tàu, cũng như thanh toán toàn bộ số tiền nợ cho doanh nghiệp nhưng vẫn không có kết quả. Trong khi đó, Công ty Bảo Duy đã hoàn thành xong công việc đóng tàu một cách đầy vất vả, nhưng khi bàn giao ông Liên lại không chịu nhận tàu. 

“Bằng công văn này, chúng tôi “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan báo chí, nếu sự việc này kéo dài và ngư dân Liên không nhận tàu sẽ khiến Bảo Duy lâm vào tình trạng phá sản do khó khăn về tài chính, vì hiện ông Liên còn nợ Bảo Duy 7.5 tỷ đồng mà không chịu trả trả để nhận tàu. Ngoài ra thông qua thi hành án tỉnh Quảng nam, ông Liên còn phải có trách nhiệm đòi nợ Công ty TNHH Liên Á để trả cho Bảo Duy số tiền 2.6 tỷ đồng mà Bảo Duy đã tạm ứng để mua máy mới thay vào máy cũ hư hỏng, cùng chi phí lắp đặt. Hiện tổng số tiền Bảo Duy cần phải được trả là khoảng 10 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với Công ty chúng tôi” - ông Kỳ than phiền.

img

Ngư dân Trần Văn Liên vẫn đi làm thuê khi chưa có tàu

Ông Nguyễn Quang Kỳ nói thêm: Từ khi xảy ra sự cố hỏng máy tàu đến nay, công ty đã chịu thiệt hại rất nhiều vì dư nợ tại Ngân hàng ACB luôn duy trì ở mức từ 10 tỷ đến 11 tỷ, hằng tháng phải trả lãi ngân hàng cả trăm triệu đồng. “Tuy ngay từ đầu đã biết và luôn khẳng định không phải là trách nhiệm của mình, nhưng chúng tôi lúc nào cũng ủng hộ giải pháp tốt nhất cho ngư dân có tàu để mưu sinh, từ việc hỗ trợ cho ngư dân 600 triệu để sửa chữa, cho đến việc tạm ứng thay máy hơn 2.6 tỷ đồng. Nhưng phía ngư dân lại gây khó khăn cho chúng tôi” - ông Kỳ nói.

Ngư dân: Chưa lắp đủ thiết bị, đền bù tiền, sao dám nhận tàu

Trao đổi với Dân Việt, ngư dân Trần Văn Liên cho biết: hiện bên Công ty Bảo Dy chưa bàn giao, chưa có giấy tờ bàn giao cụ thể lấy gì tôi nhận tàu.

img

Ngư dân Trần Văn Liên (phải) trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh việc chưa nhận tàu 

“Theo hợp đồng, thì phía Công ty Bảo Dy không thực hiện đúng như yêu cầu, hiện tàu còn thiếu nhiều thiết bị như máy tời lưới, tời chì, bóng đèn bể chưa được thay mới.

Tôi nhận tàu khi chưa đầy đủ thiết bị như vậy làm sao dám vươn khơi bám biển, nếu có ra khơi thì lấy gì làm hành nghề được. Trong khi đó, sự việc hỏng máy tàu kéo dài hơn 3 năm, gia đình tôi đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để trả tiền công cho công nhân thuê trước đó, tiền sắm sửa dụng cụ, do không có tàu nên toàn bộ ngư cụ đã hư hỏng, vậy số tiền đó ai bồi thường cho tôi. Chừng nào, doanh nghiệp đóng tàu thực hiện đúng như trong hợp đồng, đầy đủ thiết bị, tôi sẽ nhận tàu” - ông Liên quả quyết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Kỳ lại cho rằng: Một điều phi lý mà ngư dân Liên yêu cầu buộc Công ty Bảo Duy phải hỗ trợ các khoản tiền gần 600 triệu tiền mặt, cũng như hỗ trợ tiền để thay thế và mua mới thêm 1 số trang thiết bị cho tàu. Điều này hoàn toàn vô lý và ngang ngược vì theo giấy thỏa thuận ngày 12.2.2018 của ông Trần Văn Liên là không có.

“Công ty chúng tôi khẩn thiết kêu cứu, kính mong Ban Chỉ đạo NĐ 67 tỉnh Quảng Nam, Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam, chính quyền huyện Thăng Bình có những biện pháp cần thiết để buộc ông Liên hợp tác trong việc giải ngân số tiền còn lại cho Bảo Duy, ngoài ra tàu sớm bàn giao cho ngư dân Liên để vươn khơi bám biển” - ông Kỳ cầu cứu.

Như Dân Việt thông tin, ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chủ tàu sắt Qna-94679TS thuộc Nghị định 67 trị giá 16 tỷ đồng 2 năm vẫn án minh bất động tại bờ biển Thọ Quang (Đà Nẵng).

Việc tàu nằm bờ do hỏng máy này khiến gia đình ông Liên lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, nên ông quyết định kiện Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và Công ty TNHH Liên Á ra tòa. HĐXX đã tuyên phần thắng cuộc thuộc về ông Liên và yêu cầu Công ty Bảo Duy phải bồi thường thiệt hại với số tiền 2,8 tỷ đồng (tổng số tiền mua máy) cho ngư dân Liên.

Sau khi bị thua kiện, Công ty Bảo Duy đã có đơn kháng án không đồng ý bồi thường và đề nghị Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị bán máy tàu cho ngư dân Liên) phải bồi thường, chứ Bảo Duy không có lỗi nên không bồi thường.

Ngày 30.1.2018 TAND tỉnh Quảng Nam đã xử phiên phúc thẩm kết luận “Chấp nhận kháng cáo của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy, buộc Công ty CP Tập đoàn Liên Á hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1.570.000.000 đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy thủy bị hư hỏng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem