Toàn xã Hát Lừu có trên 800 hộ gia đình với hơn 3.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 99,6%. Thời điểm bắt tay xây dựng NTM, xã Hát Lừu gặp không ít khó khăn.
Một số cán bộ, đảng viên và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về việc xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao gần 80%, đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân khoảng 15 triệu/người/năm; việc huy động sức dân trong xây dựng NTM còn nhiều hạn chế.
Trụ sở UBND xã Hát Lừu được đầu tư xây dựng khang trang.
Sau 10 năm xây dựng NTM, diện mạo xã vùng cao đặc biệt khó khăn Hát Lừu thay đổi rõ rệt. Đời sống người dân từng bước cải thiện, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đường giao thông nông thôn bê tông hóa.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 80% năm 2011 xuống còn 10% năm 2019. Thu nhập bình quân của người dân tăng từ 15 triệu đồng (2011) lên 33,2 triệu đồng/người/năm (2019). Cùng với đó, xã cũng hình thành được 2 hợp tác xã và một mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với 11 tổ hợp tác tham gia…
Du lịch cộng đồng đang dần trở thành hướng phát triển mới của người dân Hát Lừu.
Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất. Với tổng diện tích hơn 200ha ruộng, trước đây bà con Hát Lừu chỉ cấy 1 vụ, năng suất thì kém nhưng nay được sự chỉ đạo, định hướng của xã mà người dân đã cấy 2 vụ/năm với nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, hiện nay người dân xã Hát Lừu đang dần hình thành, phát triển du lịch cộng đồng homestay và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực".
Nhận thấy lợi ích của làm du lịch cộng đồng, gia đình bà Lường Thị Châm (thôn Lừu 2, xã Hát Lừu) đã chuyển sang làm du lịch cộng đồng được gần 3 tháng. Theo bà Châm, từ khi làm du lịch đến nay, gia đình bà đã đón tiếp hơn 200 lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh, nhờ đó mang lại thu nhập cao cho gia đình.
"Làm du lịch cộng đồng vừa đem lại lợi nhuận vừa được giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực, trang phục độc đáo của đồng bào dân tộc Thái đến với du khách", bà Châm cho biết.
Phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Ông Lò Văn Lăm (thôn Hát 2, xã Hát Lừu) phấn khởi: “Tự hào lắm chứ khi xã mình là xã vùng cao đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM, bà con vui lắm, ngày công bố quyết định ai cũng vui tươi phấn khởi. Cũng nhờ chương trình xây dựng NTM mà đời sống cùa bà con nhân dân chúng tôi khấm khá hơn, giao thông thuận tiện, các cháu thi đi học ở trường khang trang, đầy đủ, vui lắm".
Nhà sạch, ngõ sạch đảm bảo tiêu chí môi trường.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Ngọc Luận - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Trạm Tấu là huyện vùng cao nằm trong 56 huyện nghèo khó khăn của cả nước. Mặc dù xã Hát Hừu đã đạt chuẩn NTM, nhưng quan điểm của huyện là không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, các tiêu chí đã đạt được không những duy trì mà cần phải duy trì bền vững. Xây dựng NTM là phải nâng cao đời sống của nhân dân”.
Ông Luận cho biết thêm, thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục củng cố, vững chắc các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí liên quan đến sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân. Tiến tới phấn đầu xây dựng xã Hát Lừu là xã NTM nâng cao và lấy Hát Lừu là trung tâm lan tỏa và rút kinh nghiệm để huyện xây dựng NTM tại các xã khác và thôn khác trong huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.