Vườn lan đẹp như mộng của ông lão 70 tuổi

Minh Trung Thứ năm, ngày 25/02/2016 17:30 PM (GMT+7)
Đến xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), vào vườn lan của ông Nguyễn Văn Ba, cựu quân nhân Binh chủng Thông tin liên lạc, chúng tôi như bị “bắt” mất hồn bởi những nhành lan vàng đang nở bung đón nắng sớm những ngày đầu năm.
Bình luận 0

Đông Thạnh xưa là vùng đất chưa được quy hoạch nông nghiệp, chưa có cây trồng đặc trưng của vùng. Người nông dân nơi đây không biết làm gì hơn ngoài việc trồng các loại cây ăn trái thông thường, trồng mì, lúa hay chăn nuôi vài con bò. Và người cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba đã thay đổi vùng đất đó bằng việc đưa lan về trồng.

img

Hàng ngày, ông Ba đều ăn ngủ với vườn lan nhiều sắc màu của mình. Ảnh:  Minh Trung

Đi Thái Lan học trồng hoa lan

Năm nay tuổi đã thất thập, ông Nguyễn Văn Ba vẫn hàng ngày chăm sóc 3 vườn hoa lan như bao thanh niên trai tráng trong vùng. Tưới nước, làm cỏ, phun thuốc, tỉa cành… đều do một tay ông làm. Ông bảo: “Mình tự tay cuốc từng miếng đất, mua từng nhánh lan rồi thức cả đêm chăm nó. Nghỉ một ngày cũng thấy nhớ nhớ. Khi nào việc gấp mới thuê người làm”.

Cơ duyên trồng lan đến với ông cũng nhiều sắc màu như những đóa lan trong vườn. Năm 2004, sau những tháng ngày đi khắp các vùng miền trong cả nước lắp đặt các trạm thông tin liên lạc, ông nghỉ hưu, quay về quê hương vui vầy với con cháu, gia đình. Rảnh rỗi sinh… thèm việc, chỉ một thời gian, thấy đất đai rộng nhưng lợi nhuận thu về không nhiều, vườn xoài nhà ông hàng năm cho trái dù sai trĩu quả vẫn không giải được bài toán được mùa mất giá khiến ông trăn trở.

“Làm thế nào để dù ít đất nhưng mình phải thu được nhiều tiền?”. Câu hỏi đó khiến ông không thể nào ngủ ngon. Bắt đầu đi tìm cách cải thiện kinh tế gia đình, ông lục lọi tài liệu, tìm kiếm câu trả lời khắp nơi. Ông bảo đấy là “tháng ngày nhiều suy nghĩ”. Cuối cùng, một dịp tình cờ ông biết thông tin ở Thái Lan trồng hoa lan cho năng suất và nguồn thu nhập tốt. Nắng hạn gặp mưa rào, như gặp được thứ tìm kiếm bấy lâu, ông bàn với vợ gom tiền để ông qua Thái Lan tham quan, học hỏi một chuyến.

Dù chi phí xuất ngoại lúc bấy giờ so với ông không hề rẻ nhưng chuyến đi ấy đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông.

“Họ làm đâu ra đấy. Rất chuyên nghiệp. Khi vào vườn lan của họ, tôi cứ tưởng mình lạc vào xứ thần tiên, xứ hoa của Hà Lan. Nhưng đây là Đông Nam Á. Thái Lan có điều kiện khí hậu như Việt Nam. Cái mình thiếu là kỹ thuật, giống, công nghệ và cái gan để làm”- ông Ba nhận xét sau chuyến đi đó. Trong những thứ trên, ông tự nhận mình thiếu… gần hết, duy chỉ có bản lĩnh và niềm tin vào một loại cây trồng sẽ làm giàu cho gia đình, quê hương là có thừa.

Gắn bó với hoa lan

Về quê, hành trình đến với cây lan của ông Ba bắt đầu. Vườn xoài hơn 2.000m2, mỗi năm 2 vụ được ông phá bỏ, rồi nâng nền đất lên cho khỏi ngập úng. Bao nhiêu tiền bạc tích lũy dưỡng già của vợ chồng, ông đổ vào vườn lan. “Không tính tiền đất, chỉ riêng chi phí đầu tư, xây dựng hồi đó đã gần cả tỷ đồng. Nếu làm không xong, thì coi như hai vợ chồng già tay trắng”- ông Ba nhớ lại.

Chúng tôi tò mò về động lực khiến một người đàn ông khi đó gần 60 tuổi quyết định khởi nghiệp làm nông, chịu nhiều áp lực đến vậy, ông chỉ cười xòa: “Phải làm thì mới biết thành hay bại. Người ta nói 60 năm cuộc đời nhưng tôi nghĩ phải hơn. Chẳng lẽ mấy năm còn lại cứ đi ra đi vô. Mình làm để con cháu bắt chước, mà cũng là thú vui đem lại thu nhập nữa”.

 Ông Nguyễn Văn Ba hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa lan huyện Hóc Môn. Ông từng được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 14 năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi. Dẫu đã ở tuổi 70, nhưng ông tiết lộ, sẽ còn tiếp tục theo đuổi nghề trồng lan, ước tính mỗi năm ông thu hàng tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng.

Nhưng có lẽ cái thú vui này trong thời gian đầu khiến ông Ba nhiều lần mất ngủ và chưa vui được. “Tay ngang trồng lan, thông tin lúc đó chưa có nhiều, mọi thứ cứ phải vừa học hỏi vừa áp dụng. Đôi khi ở Thái Lan cùng một loại thuốc, loại lan thì dùng có hiệu quả, nhưng ở nước mình thì khác. Sơ sẩy một chút là vườn lan, mỗi nhánh vài trăm ngàn đồng, chết tức tưởi”.

Độ ẩm, ánh sáng, lượt tưới, loại thuốc, thời gian chăm bón… mỗi ngày đi qua là hàng đống công việc ông Ba phải xử lý và phải đảm bảo độ chính xác nhất. Loài cây đỏng đảnh này khiến ông chăm lan còn hơn chăm con, chăm vợ.

“Nhiều lần đang ngồi trong nhà mà thấy nóng tôi cũng phải chạy ra vườn lan coi thử thế nào. Đang ngủ nửa đêm cũng phải dậy xem thời tiết có khác thường như dự báo không. Mấy cái lo này, chỉ có người trồng lan mới thấm, mới hiểu”- ông Ba tâm sự.

Nhiều người nghĩ ông Ba chơi trội, chắc chỉ làm vài tháng sẽ bỏ. Thế nhưng, niềm vui dần cũng đến với ông. Những nhánh lan bò cạp vàng, bò cạp đỏ, mokara, dendrobium… đầu tiên từ vườn lan của ông vươn lên mạnh mẽ, khoe sắc thắm. Lan của vườn ông Ba đã bán ra cho người chơi, rồi tới các quầy hoa tươi, len lỏi vào các trung tâm, hội chợ, khách sạn. Tiểu thương tìm đến đặt hàng nhiều đến nỗi không đủ số lượng giao. Nhiều khi phải từ chối vì lan chưa kịp ra đợt hoa mới. Chủ vườn lan mỉm cười nhìn thành quả sau bao tháng ngày gắn bó với nó.

Luôn tiến lên phía trước

Hiện nay, ông Ba không chỉ có 1 mà đã là 3 vườn lan nằm gần nhau. Với tổng diện tích 6.000m2, các loại lan ở đây gồm moraka, bò cạp, cá vàng, cá đỏ và hàng trăm loại lan kiểng khác. Hiện giờ, ông bán mỗi chậu từ 1,5-3,5 triệu đồng. Các tiểu thương cứ vài ngày lại ghé vườn lan nhà ông, mang hàng đi bán khắp các tỉnh trong cả nước. Doanh thu hàng năm, trừ chi phí ông cũng lời vài trăm triệu đồng.

Hàng tháng, câu lạc bộ hoa lan của ông đều tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để các thành viên cập nhật thông tin và điều chỉnh kịp thời mùa vụ. Ông Ba bảo, trồng hoa lan muốn thành công không đơn giản chỉ biết trồng mà phải lựa chọn, cập nhật giống mới theo thị hiếu thị trường, phải biết cách quảng bá, tiếp thị sản phẩm hoa đi nhiều nơi và quan trọng là liên tục cập nhật các cách chăm sóc, các loại thuốc ở nhiều nước khác nhau. Lúc đó mới phát triển lớn mạnh được.

“Có những năm trong nước chưa có thuốc điều trị sâu bệnh, tôi phải sang các nước khác để học hỏi họ, thậm chí mua thuốc về phun cho vườn lan của mình. Dù có hơn chục năm kinh nghiệm nhưng năm 2014 khi dùng phải phân bón giả, thiệt hại rất lớn” - ông Ba cho biết thêm về thị trường hoa lan ngày càng cạnh tranh khi các giống hoa mới ra rất đẹp, giá rất tốt.

Theo ông Ba, nếu chỉ an phận trồng các giống quen thuộc cho khỏe thì dần dần sẽ bị mất khách hàng khi họ hỏi mà mình không có. Không chỉ vậy, mỗi năm cũng phải đi khảo sát thị trường để xem những đại lý hoa tươi, nhà hàng, khách sạn, các tỉnh, thành khác cần những loại hoa lan như thế nào để nghiên cứu đầu tư. Khi đó mới gọi là trồng lan chuyên nghiệp.

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem