Xót xa cậu bé 7 tuổi nhặt ve chai, phụ giúp bà kiếm sống

Chang Liễu Chủ nhật, ngày 15/04/2018 09:02 AM (GMT+7)
Mới 7 tuổi, ngày nào cậu bé cũng lang thang các chợ ở Đồng Đăng nhặt ve chai để phụ giúp bà kiếm sống.
Bình luận 0

Đó là trường hợp em Trần Minh Châu trú ngõ 7, khu Dây Thép, TT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. 

Bươn chải kiếm sống

Bà Vũ Thị Cảm (SN 1965) là bà ngoại của em Châu. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, gạt chân chống chiếc xe đạp cà tàng, bà mời chúng tôi vào nhà uống nước.

Ngôi nhà cuối con ngõ nhỏ, sập sệ, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn vỏ chai, lọ, thùng giấy. Bà Cảm nói: “Cô vừa đi một vòng quanh chợ xem có vỏ lon bia, chai lọ gì không nhưng ít lắm vì giờ nhiều người nhặt. Châu thì đi học rồi, tầm 5h cháu mới tan học”.

img

Hai bà cháu sống trong căn nhà sập sệ.

Rót nước mời chúng tôi, bà Cảm rung rung nước mắt kể: "Tôi quê Hải Dương, lấy chồng cùng quê có 3 đứa con 1 trai 2 gái. Vợ chồng bỏ nhau nên tôi đưa theo đứa con gái út là Trần Thị Thùy (1990) là mẹ ruột của bé Châu lúc đó mới 4-5 tuổi lên Lạng Sơn để sang Trung Quốc bươn chải.

Nhưng lên đến đây thấy ở đây gần cửa khẩu Tân Thanh buôn bán cũng phát triển nên hai mẹ con đã nán lại đây hàng ngày bán hoa quả kiếm đồng ra đồng vào. Một ngày tháng 5.2012, khi đang nằm chữa bệnh ở viện bà Cảm được tin sét đánh ngang tai: “Mày không biết gì à, con gái mày bị bắt rồi”.

img

Bà Cảm không giấu nổi những giọt nước mắt khi kể về cuộc đời mình và số phận của cháu Châu.

“Lúc nó (mẹ em Châu) bị bắt, Châu mới đang chập chững tập đi, từ đó tới giờ hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Cô giờ cũng đã ngoài 50, sức khỏe cũng đã yếu dần kèm thêm bệnh xương khớp, vào những ngày mưa trở trời là lại đau nhức cúi xuống nhặt cái vỏ chai còn không được” - bà Cảm vừa khóc vừa nói.

Hàng ngày bà cũng đi quanh chợ Đồng Đăng nhặt ve chai, nhặt cơm thừa, canh thiu về chăn lợn, chăn mấy con gà.

“Nhiều người thấy hai bà cháu hoàn cảnh, thấy thương nên cũng gom chai lọ cho. Tranh thủ lúc buổi trưa hoặc chiều tối đi lượm thì hai bà cháu nhiều thì ngày cũng được 50.000, có ngày chỉ được 20-30 nghìn.

Nhiều khi đám cỗ của các gia đình xung quanh, biết hoàn cảnh nên họ cũng cho luôn đồ ăn, nên cũng không phải mua gì nhiều.

"Được cái Châu là thằng bé ngoan, lanh lợi nên được hàng xóm, người buôn bán ở chợ cũng quý, thỉnh thoảng cho tiền, gom cho chai lọ, thùng giấy. Biết được hoàn cảnh, chính quyền cũng có hỗ trợ hàng tháng, cộng với tiền nhặt ve chai hai bà cháu cũng đủ sống và đóng tiền học cho cháu Châu”, bà Cảm nghẹn lời.

Ước mơ giản dị, nhưng…

Chúng tôi vừa ngồi trò chuyện với bà ngoại của Châu vừa ngồi chờ để được gặp cậu bé 7 tuổi mà hàng xóm miêu tả là da ngăm đen gầy dong dỏng có vẻ ngoài thấp bé hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa nhưng ngoan, lễ phép và rất lanh lợi. Rồi nhân vật chính xuất hiện với ba lô và lích kích túi ve chai vừa nhặt được dọc đường về.

img

Hôm nào cũng vậy, lúc đi học thì gọn nhẹ, lúc về thì lỉnh kỉnh đầy chai lọ em nhặt được ở trường và dọc đường về.

“Chiều nào cũng vậy, tan học em lại lượn một vòng quanh sân trường nhặt vỏ chai nước trong thùng rác. Mang về nhà, cất xong cặp sách em lại xách theo túi bóng đi xuống khu vực chợ truyền thống Đồng Đăng để nhặt chai lọ” - Châu nói.

Khi được hỏi người em bé tẹo vậy mang túi to vậy, lõ có được đầy sao e xách về được. Em nhanh nhảu đáp: “Em chỉ sợ không đầy thôi, hôm nào đầy quá thì em gọi bà xuống chở mang bán lấy tiền luôn”.

img

Lanh lợi, nhanh nhẹn phụ giúp bà các công việc nhà.

Một cậu bé mới 7 tuổi nhưng lanh lợi, nhanh nhẹn, da ngăm đen từng trải hơn nhiều bạn cùng trang lứa vì em đã tự lập từ rất sớm, cùng người bà bươn chải kiếm sống và đóng tiền học để em được tới trường.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, em ngồi trầm ngâm một hồi lâu rồi nói: “Em không nói đâu, vì điều em ước em biết sẽ rất khó trở thành hiện thực”.

Nói đến đây thôi chúng tôi thầm hiểu, em đang nhắc tới người mẹ của mình. Em nhớ mẹ, muốn mẹ được về sống cùng mình. Nhưng điều đó là quá khó khăn khi mẹ em đang phải chịu mức phạt tử hình cho những tội lỗi bồng bột của tuổi trẻ.

img

Trong khi nhiều bạn cùng trang lứa đang chỉ biết ăn, biết chơi và hưởng thụ thì Châu đã phải xông xáo phụ bà kiếm tiền như một người lớn thực thụ.

Em chỉ nhớ mẹ và thương bà nên hàng ngày đi học về, ngoài nhặt ve chai em cố gắng giúp bà rửa bát, dọn nhà... chỉ mong bà ở mãi cùng em. Sau này lớn em sẽ làm thợ lái máy xúc, kiếm tiền nuôi bà.

img

Một cậu bé mới chỉ học lớp 2 (7 tuổi) nhưng không ngần ngại giúp đỡ người lớn những công việc nặng nhọc.

Cô giáo Lý Thu Trường - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5, trường Tiểu học Đồng Đăng xác nhận: "Ngày nào đến trường em Châu cũng mang túi đi quanh trường để nhặt vỏ lon, túi nilon. Các thầy cô, bạn học trong trường cũng gom góp vỏ hộp sữa, chai lọ cho Minh Châu". 

Theo cô Trường, hoàn cảnh em Châu rất khó khăn: không có bố, mẹ vướng vòng lao lý, gia đình không có chứng nhận hộ nghèo. Do đó, các khoản phí ở trường học bà châu Châu đều phải đóng. 

"Em kì nào cũng được học sinh giỏi đấy. Bà ngoại không có thời gian nên em toàn phải tự học. Trước em đi nhặt ve chai đến 10h tối mới về cơ nhưng gần đây cô giáo bảo phải ở nhà làm bài tập nên đi học về em tranh thủ đi 1-2 tiếng là em về".

Mọi sự giúp đỡ cho bé Trần Minh Châu xin gửi về địa chỉ: Bà Vũ Thị Cảm, trú ngõ 7, khu Dây Thép, TT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. 

Hoặc: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội - Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay (Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ bé Trần Minh Châu)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem