Bám sát địa bàn, hỗ trợ hộ vay tối đa
Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (ở thôn Kim Quan, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) vốn là hộ nghèo, thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào lúa và rau màu. Năm 2017, bà được Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) cho vay 20 triệu đồng để trồng 2 sào măng tây và chăn nuôi lợn. Nhờ đồng vốn kịp thời đó, mô hình trồng măng tây và nuôi lợn đã giúp gia đình bà dần ổn định cuộc sống với mức thu nhập đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Hiện, gia đình bà Xuân đã thoát nghèo và đang tiếp tục mở rộng sản xuất.
Hoạt động giao dịch tại xã của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm. Ảnh: Thu Hà
Toàn thành phố hiện có 7.477 Tổ TKVV với dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể đạt 8.027 tỷ đồng. Điển hình, Hội Nông dân thành phố đang quản lý 1.972 Tổ TKVV với dư nợ hơn 2.001 tỷ đồng; Hội Liên hiệp phụ nữ đang quản lý 3.924 Tổ TKVV với dư nợ 4.521 tỷ đồng… |
Hiện, Tổ TKVV thôn Kim Quan do bà Lê Thị Khai làm tổ trưởng đang có dư nợ hơn 1 tỷ đồng với 41 hộ vay vốn. Trong suốt nhiều năm nay, tổ không có dự nợ quá hạn. Với kinh nghiệm hơn chục năm đảm nhiệm vị trí tổ trưởng tổ TKVV thôn Kim Quan, bà Khai chia sẻ: “Để vốn vay phát huy hiệu quả, việc bình xét đúng đối tượng cho vay là điều rất quan trọng. Tôi thường tổ chức họp tổ, bình xét đối tượng cho vay dựa trên nguyên tắc công bằng, minh bạch và thấu tình đạt lý”.
Theo bà Khai, với thuận lợi vừa là tổ trưởng tổ TKVV, vừa là chi hội trưởng hội phụ nữ, bà Khai nắm rõ tình hình sản xuất cũng như hoàn cảnh của các hội viên. Sau khi giải ngân vốn vay, ngoài gần gũi, hướng dẫn hộ vay vốn cách làm ăn hiệu quả mà bà còn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần các hộ vay vượt khó vươn lên.
Tương tự, Tổ TKVV xã Yên Thường là một trong những tổ hiệu quả nhất của Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm, với tổng dư nợ hơn 3 tỷ đồng cho 154 hộ vay. Theo ông Nguyễn Đức Trọng - Chủ tịch Hội ND xã Yên Thường, kiêm Tổ trưởng Tổ TKVV xã cho biết: “Nhờ có nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH, cuộc sống người dân được nâng cao cả chất và lượng. Thông qua các tổ vay vốn, những đồng vốn tín dụng được sử dụng hiệu quả hơn, trả nợ, lãi đúng hạn hơn và không có tình trạng nợ đọng, quá hạn”.
“Cánh tay nối dài” của ngân hàng
Tính đến nay, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm đạt 342,3 tỷ đồng. Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm, Đặng Văn Lâm để việc cho vay ưu đãi mang lại thành công bao giờ, phòng giao dịch cũng phải đặt yếu tố gần gũi người dân, bám sát cơ sở lên hàng đầu. “Chúng tôi phải thường xuyên quan tâm tới công tác kiện toàn các tổ TKVV, đưa hoạt động của tổ đi vào nền nếp, rà soát để cho vay vốn đúng đối tượng. Hộ vay phải có phương án sản xuất kinh doanh khả quan, với cho vay giải quyết việc làm thì phải có nhân lực thực sự tốt”- ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, để có được sự sát sao đó, ngoài việc cử cán bộ bám địa bàn, một bộ phận được xem như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và sát sao với người vay vốn là các tổ TKVV. Việc này giúp chúng tôi rất nhiều khi đưa nguồn vốn tín dụng của Nhà nước xuống người dân một cách hiệu quả.
Đánh giá về hoạt động, vai trò của các tổ TKVV, giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội Nguyễn Kim Phung khẳng định, các tổ TKVV đang là “lực lượng” chính hỗ trợ các gia đình chính sách và hộ nghèo tiếp cập nguồn vốn vay ưu đãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.