Chăm sóc lúa đông xuân cuối vụ

Thứ sáu, ngày 18/02/2011 12:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lúa đông - xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở giai đoạn cuối vụ. Để bảo đảm chất lượng hạt lúa và năng suất lúa, bà con nông dân cần chú trọng kỹ thuật chăm sóc, bón phân cuối vụ.
Bình luận 0
img
Chăm sóc, bón phân cuối vụ đúng kỹ thuật gốp phần làm nên vụ mùa bội thu.

Chú ý : Có thể sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho cây lúa. Không hỗn hợp quá nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá để phun xịt (vừa tốn tiền lại không hiệu quả). Tuân thủ thời gian cách ly khi phun xịt thuốc bảo vệ thực vật.

Nếu trên các diện tích lúa chuẩn bị làm đòng hoặc đang nuôi đòng thì cần quan sát màu sắc lá để bón phân. Lúa quá xanh tốt thì sẽ ức chế quá trình hình thành đòng (lúa có hiện tượng bị lốp do quá dư thừa các hoócmon sinh trưởng dinh dưỡng và làm ức chế hoócmon sinh trưởng sinh thực).

Nếu ruộng bị hiện tượng này cần rút cạn nước, bón thêm phân có tỷ lệ kali (K20) cao, phun xịt thêm phân bón lá có hàm lượng P & K cao (như NPK 6-30-30; 7-5-44…). Với các ruộng lúa đang nuôi đòng, cần bón thêm lượng đạm (N) và kali (K), tùy theo màu sắc lá lúa để thay đổi liều lượng. Nếu lá lúa xanh đậm thì chỉ cần bón 3 - 5kg phân KCl (kali đỏ) cho 1 công đất (1.000m2). Nếu lá xanh nhạt và mỏng thì bón 3 - 4kg Urê + 3-4kg KCl/công.

Giai đoạn trước trổ và sau trổ, cần chú ý bón phân để lúa đủ sức trổ thoát (tránh hiện tượng nghẹt đòng), trổ tập trung. Cần chú ý bổ sung đạm (N) và đặc biệt 2 nguyên tố trung vi lượng B & Ca, giúp tăng tỷ lệ thụ phấn (giảm tỷ lệ hạt lép, hạt lửng).

Nếu thấy lá lúa hơi vàng, bón bổ sung 2kg Urê/công. Phun xịt phân bón lá có chứa B & Ca trước khi lúa nhú bông. Chú ý, khi lúa mới trổ từ 1 - 3 ngày đầu không xịt phân bón, hoặc thuốc trừ sâu bệnh để tránh ảnh hưởng đến sức sống hạt phấn và độ dính của nhụy cái, sẽ làm giảm tỷ lệ thụ phấn.

Trong giai đoạn nuôi hạt (từ sau thụ phấn đến chín sữa và kết thúc chín sáp vào chắc hoàn toàn) cần giữ cho lá đòng và 2 lá kế tiếp đòng có màu xanh. Muốn giữ màu xanh cho 3 lá này thì cần cung cấp đủ dinh dưỡng và phòng trừ các loại sâu bệnh hại làm ảnh hưởng tới diện tích, màu sắc lá sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình quang hợp chuyển hóa tinh bột vào trong hạt lúa.

Nếu thấy màu lá vàng, cần bón bổ sung 3kg Urê + 3kg KCl/công. Nếu màu lá còn xanh, chỉ cần bón thêm 3kg phân KCl/công. Nếu có điều kiện có thể phun xịt thêm phân bón lá có tỷ lệ N & K cao, phối hợp với phân bón lá chiết xuất từ rong biển để kéo dài màu xanh của lá lúa. Tháo kiệt nước trước thu hoạch 10 ngày.

(TT Nghiên cứu Đất, Phân bón & Môi trường)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem