Tự hào là thế, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều chợ đã phải đóng cửa, xuống cấp, cỏ mọc quá đầu gối. Những người bỏ tiền đầu tư buôn bán, nay chỉ lén nhìn với nỗi ngậm ngùi, xót xa.
"Sức ép" nông thôn mới
Mặc dù, xã Vạn Hòa thuộc thành phố Lào Cai, đi qua nhiều lần nhưng thú thực, chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy tấm biển “Chợ Vạn Hòa”. Bởi, sẽ khó lòng tìm được khu chợ này nếu như không có sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ xã.
Thứ duy nhất để có thể nhận ra đây từng là chợ Vạn Hòa
Ông Trần Quang Hanh, Chủ tịch UBND xã Vạn Hòa cho biết, theo chỉ đạo của thành phố Lào Cai, năm 2011, xã Vạn Hòa bắt tay vào xây dựng NTM theo các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia. Đến năm 2012, để hoàn thiện 19 tiêu chí NTM, thành phố Lào Cai đã phối hợp với xã, tiến hành xây dựng chợ Vạn Hòa với tổng diện tích trên 1.000m2. Để giải phóng mặt bằng xây dựng chợ, thành phố đã bỏ ra số tiền gần 500 triệu đồng đền bù cho các hộ dân có nhà, đất sản xuất trên nền dự án.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, 36 hộ kinh doanh trên địa bàn xã đã xung phong tham gia đóng góp mỗi hộ 2 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí để xây dựng chợ Vạn Hòa là gần 600 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, do ảnh hưởng mưa bão, chợ Vạn Hòa đã nhiều lần bị hư hỏng, tốc mái. Để khắc phục, UBND xã đã hai lần dùng tiền ngân sách tu sửa hết hơn 10 triệu đồng.
Điều đáng nói, sau khi chợ Vạn Hòa xây dựng xong hầu như không hoạt động, các hộ kinh doanh cũng ngày họp, ngày không do hàng hóa ế ẩm. Và sau khoảng 3 tháng thì công trình hơn nửa tỷ đồng này đóng cửa.
Nền móng chợ Vạn Hòa cỏ mọc, rêu phủ
Nhớ lại “những tháng năm ấy”, ông Hanh bảo, khi mới xây dựng xong, cả người dân, chính quyền đều kỳ vọng, quyết tâm lắm. Xã gây dựng lên một phiên chợ họp cố định, thu hút người dân trong vùng đổ về kinh doanh, trao đổi hàng hóa.
“Mỗi buổi chợ phiên cuối tuần, lãnh đạo xã, thôn ai cũng tham gia, mục đích là hưởng ứng người dân. Nhiều phiên, chúng tôi còn đem gà ra bán, uống rượu tại chợ với bà con. Nhưng rồi…”, ông Hanh nhớ lại.
Dẫu vậy, lãnh đạo UBND xã Vạn Hòa cũng thừa nhận, là ngay khi thành phố về khảo sát để xây dựng chợ, xã đã có ý kiến chưa nên xây dựng vào thời điểm này vì có nhiều điểm bất hợp lý. Một, Vạn Hòa là xã vùng ven của thành phố Lào Cai, từ trung tâm xã ra đến chợ Phố Mới (một trong những chợ đầu mối của thành phố) chỉ mất 2 cây số. Đất rộng, người thưa, trước nay người dân chủ yếu vẫn tự sản, tự tiêu vì Vạn Hòa có 2 thôn vốn là vùng chuyên canh rau sạch. Cưới xin, ma chay, cần nhiều thực phẩm, họ sẽ lên thẳng chợ Phố Mới như một thói quen.
Tấm lợp chợ Vạn Hòa được nhà trường tận dụng làm hàng rào
Cùng với đó, thời điểm xây dựng chợ, Vạn Hòa vẫn nằm ở đường cụt vì chưa có cầu Giang Đông bắc qua sông Hồng, nhu cầu thông thương hạn chế. “Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chí NTM, thành phố vẫn triển khai xây dựng. Đến thời điểm này, chợ Vạn Hòa hầu như hỏng hoàn toàn. Để bảo quản vật liệu như mái tôn, khung nhà bằng thép, chúng tôi phải mang về gửi tạm ở trường THCS của xã gần 4 năm nay. Hiện tại, trên địa bàn xã có hai hộ kinh doanh lớn thì bán tại nhà. Còn bà con nếu có mớ rau, con cá thì bày bán luôn tại các tuyến đường liên xã cho khách đi đường”, ông Hanh chia sẻ.
Phải nhờ ông Hanh chỉ dẫn tận tình, chúng tôi mới tìm được một ít “chứng tích” của chợ Vạn Hòa. Chúng tôi thốt lên ngạc nhiên “chợ đây ư?”. Đó chỉ là bãi đất trống, nằm ven con đường đất nhầy nhụa, hướng ra sông Hồng. Không biển tên, không ki-ốt, thứ duy nhất còn nhận ra được là một chòi nhỏ lợp tôn xanh, tấm bạt rách tả tơi phất phơ trong gió. Vạch từng bụi cỏ, chúng tôi may mắn phát hiện ra nền xây cũ của chợ Vạn Hòa. Đảo mắt một vòng, lẫn trong hàng cây si rậm rạp là công trình nhà vệ sinh.
Quả đúng như lời ông Hanh, nhiều vật liệu bị hỏng của chợ đang được vứt ngổn ngang trong khuôn viên trường cấp 2 xã nhà. Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan, cô Nguyễn Thị Kim Huế, hiệu trưởng nói giọng đầy chua xót: “Thấy xã gửi nhờ mấy năm rồi mà không lấy. Trường thấy lãng phí quá mới đem vài tấm tôn quây hàng rào, trồng hoa lên đó để học sinh làm bài tập thực hành”.
Chợ... 1 người bán
Xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai chính thức cán đích NTM năm 2015. Để có được điều đó, năm 2013, trên diện tích hơn 3.000m2, Đồng Tuyển đã quyết tâm xây dựng chợ Lục Cẩu với quy mô 30 ki-ốt kèm theo nhiều công trình phụ trợ.
Toàn cảnh chợ Lục Cẩu
Ông Lâm Hoài Vũ, Chủ tịch UBND xã Đồng Tuyển, cho hay, thời gian đầu khi chợ mới hoàn thành cũng có gần chục hộ kinh doanh nhưng đến thời điểm này chỉ còn duy nhất một hộ thường xuyên kinh doanh đồ ăn sáng. Để xây dựng chợ, số tiền ra giải phóng mặt bằng gần 100 triệu, các hộ kinh doanh đóng góp mỗi hộ 5,5 triệu đồng để xây ki-ốt.
Ông Vũ cũng thừa nhận, nhu cầu về chợ không thật sự cần thiết nên bao nhiêu năm trước, Đồng Tuyển không có chợ. Điểm đặt chợ cũng không phải là tại trung tâm của xã mà giáp với xã Quang Kim, huyện Bát Xát trong khi xã này cũng đã xây dựng NTM. Sau khi nhận ra, xã xin ý kiến người dân di chuyển chợ về gần trung tâm xã nhưng không ai đồng ý.
Bên trong, hơn 30 ki-ốt kiên cố nhưng không một bóng người
“Theo tôi thấy việc xây dựng chợ phải theo nhu cầu thực tế của người dân. Khi người dân không có nhu cầu mua, bán thì không thể ép họ vào họp được. Hiện nay, để tránh lãng phí cũng như hạn chế sự xuống cấp của công trình, xã sẽ đề nghị thành phố cho chủ trương kêu gọi doanh nghiệp thuê lại mặt bằng của chợ, ông Vũ kể lể.
Một buổi chiều mưa lâm thâm, chúng tôi ghé thăm chợ Lục Cẩu. Chợ không khó tìm bởi cơ ngơi hoành tránh, rộng mênh mông. Trong chợ, duy nhất một gian nhỏ còn mở cửa. Dăm chú gà thấy người lạ chạy loạn lên, lủi ra góc chợ rồi gáy te te. Bắn điếu thuốc lào, ông Lê Kim Cấp thở dài thườn thượt bảo, hai vợ chồng không có nghề nên ra đây dựng một gian bán cháo lòng. Buôn chẳng có bạn, bán chẳng có phương, làm quần quật từ 3 rưỡi sáng tới 12 giờ trưa, hai vợ chồng ông mới đủ tiền sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều gian, chủ hàng không buồn khóa cửa
Buồn buồn, ông Cấp dựng thêm một cái chuồng nhỏ, ý định nuôi thêm mấy con chó. Góc chợ cỏ mọc um tùm, tiếc rẻ, ông xới lên trồng ít đỗ, thả mấy con gà cho đỡ phí.
“Tôi thì chẳng hiểu chợ búa xây kiểu gì mà không có kẻ bán, người mua. Mấy chục ki-ốt nhìn để không thế thôi nhưng có chủ hết rồi. Chắc họ cũng chán, cả năm không thấy ai đoái hoài gì”.
Chợ thành nơi trồng rau nuôi gà
+ Người dân Đồng Tuyển gần như quên hẳn chợ Lục Cẩu từng là chợ NTM. Họ quen gọi là chợ đám cưới. Bởi, cứ xung quanh, nhà nào có đình đám là đưa vào đây tổ chức. 30 ki-ốt cao ráo, xếp mấy chục mâm cỗ còn dư. Nhiều gian hàng không buồn khóa cửa, có nấu nướng, gửi xe cả tuần làm cỗ cũng chẳng ai nói gì… Càng nhìn, càng nghe càng thấy xót xa!
+ Toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 57 chợ nông thôn, nhưng đếm sơ sơ cũng ít nhất 10 khu biến thành “di tích”. Trong khi chờ tỉnh đưa ra phương án khắc phục, từng ngày, những khu chợ này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Sự lãng phí ngày một lộ ra và lớn dần, đằng sau là ánh mắt bất lực của người dân.
|
Phạm Kế Toại (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.