Nhiều kết quả bước đầu
Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng cho biết, với lợi thế là đô thị trung tâm, định hướng phát triển của Đà Nẵng là tập trung vào phát triển nông nghiệp (NN) theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng phục vụ đô thị và du lịch, chính vì vậy, trong thời gian qua, TP.Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn một cách hiệu quả và bước đầu đem lại những kết quả tích cực.
Chương trình OCOP của thành phố sẽ tập trung vào các sản phẩm NN đặc trưng, các đặc sản như: Gạo hữu cơ, bánh tráng, bánh khô mè, chả bò, rượu cần… của Đà Nẵng để công nhận và gắn sao.
Năm 2018, sau khi Bộ NNPTNT có văn bản về triển khai xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ngày 02 tháng 8 năm 2018, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 5980/UBND-SNN để triển khai Chương trình trên địa bàn thành phố. Đã tổ chức kiện toàn Bộ máy tổ chức thực hiện các cấp, trong đó: Cấp thành phố giao Sở NNPTNT là cơ quan thường trực tham mưu triển khai thực hiện. Cấp quận, huyện giao Phòng NNPTNT Hòa Vang, Phòng Kinh tế các quận là cơ quan tham mưu, có sự tham gia của Lãnh đạo UBND các xã phụ trách Chương trình nông thôn mới và lãnh đạo phụ trách kinh tế của các quận.
Bánh khô mè là sản phẩm không thể thiếu được ở mỗi gia đình, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, Tết của người Đà Nẵng…
Theo ông Ban, để hoạt động Chương trình đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả, Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị cấp thành phố triển khai Chương trình OCOP (tháng 3/2018), tổ chức 2 phiên chợ giới thiệu sản phẩm OCOP (1 phiên cấp huyện, 1 phiên cấp xã tại Hòa Phong) và tham gia hội chợ trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hội chợ EWEC 2018, lồng ghép giới thiệu sản phẩm OCOP tại các buổi hội thảo chuyên đề và triển lãm quốc gia về Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức 01 hội nghị triển khai Đề án OCOP và 02 phiên chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP tại địa bàn huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ.
Việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương để nâng cấp, xây dựng thành sản phẩm OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường.
“Bên cạnh đó, Sở NNPTNT đã triển khai các mô hình sản xuất để phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP là chuối thanh tiêu Hòa Phú, lạc Hòa Nhơn, đậu cove Hòa Thọ Tây... Đã hoàn thành hồ sơ cấp chứng nhận xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 5 sản phẩm OCOP: Gạo hữu cơ Hòa Vang, gà đồi Hòa Vang, Mía Hòa Bắc, Ớt Bồ Bản, Rượu cần Phú Túc...”, ông Ban chia sẻ.
Mặt khác, UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức lựa chọn, xây dựng sổ tay giới thiệu danh mục sản phẩm OCOP gắn với kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó có 10/11 xã đảm bảo mỗi xã một sản phẩm và có 01 xã Hòa Nhơn có 02 sản phẩm và 02 sản phẩm chủ lực cấp huyện là rau, củ, quả Hòa Vang và sản phẩm hoa Hòa Vang.
Ngoài ra, các quận trên địa bàn thành phố cũng đã tập trung triển khai thực hiện chương trình trên cơ sở phát triển các tổ chức kinh tế, bước đầu đã có một số sản phẩm đăng ký như: Bánh khô mè Cẩm Lệ, Ớt La Hường, Tré bà Đệ, chả Hùng Hồng, nước mắm Nam Ô, gạo hữu cơ Hòa Quý,...đây là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các quận.
Gia đoạn 2020 - 2030, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp ít nhất 80 sản phẩm có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP.
Theo ông Ban, việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương để nâng cấp, xây dựng thành sản phẩm OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Đồng thời, các sản phẩm khi tham gia OCOP sẽ có sự đầu tư chỉnh chu, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm do mình tạo ra...
”Gắn sao” các sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Phú Ban cho biết thêm, để hiện thực hóa Chương trình, ngày 22/5/2019, UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” TP.Đà Nẵng đến năm 2030. Mục tiêu là phát triển chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế NN, nông thôn trên địa bàn TP.Đà Nẵng để đẩy mạnh phát triển NN theo hướng NN đô thị, bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTN…
“Chương trình OCOP của thành phố sẽ tập trung vào các sản phẩm NN đặc trưng, sản phẩm đặc sản như: Gạo hữu cơ, bánh tráng, bánh khô mè, chả bò, rượu cần Phú Túc… của Đà Nẵng để công nhận và gắn sao. Trong đó, chú trọng vào các nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của thành phố", ông Ban nhấn mạnh.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030, có trên 90% sản phẩm tham gia OCOP được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì và nhãn mác sản phẩm…
Được biết, giai đoạn 2019 - 2025, thành phố sẽ hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp 26 sản phẩm chủ lực của các địa phương và 1 - 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư NTM kiểu mẩu kết hợp bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa phục vụ du lịch sinh thái NN.
Giai đoạn 2026 - 2030, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp ít nhất 54 sản phẩm có thế mạnh tham gia, phát triển từ 8-10 sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, hình thành 3-5 làng du lịch sinh thái cộng động…phấn đấu đến năm 2030, có trên 90% sản phẩm tham gia OCOP được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì và nhãn mác sản phẩm.
Hiện nay, Sở NNPTNT đang tập trung phối hợp với bộ phận OCOP cấp quận, huyện để hướng dẫn, tổ chức tập huấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thành hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn Đà Nẵng. Quy trình đánh giá và Bộ Tiêu chí tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ… Dự kiến hoàn thành đánh giá, công bố kết quả, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019 trước ngày 25/12/2019.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức 01 hội nghị triển khai Đề án OCOP và 2 phiên chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP tại địa bàn huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ.
Theo đó, các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên sẽ được cấp Giấy chứng nhận của UBND thành phố và được lựa chọn, nâng cấp, hoàn thiện để tham gia Chương trình đánh giá, xếp hạng cấp TW, các sản phẩm đạt dưới 3 sao sẽ được hỗ trợ, nâng cấp để tiếp tục đánh giá đảm bảo đạt 3 sao trong các năm sau theo chu trình OCOP.
“Tập trung xây dựng, phát triển Chương trình OCOP trở thành Chương trình phát triển kinh tế NN, nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để đẩy mạnh phát triển NN theo hướng NN đô thị, bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân…”, ông Ban cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.