Với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc sản của địa phương trở thành một lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, ngày 25/2/2019 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án OCOP năm 2019.
Lan tỏa rộng khắp
Sau 1 năm triển khai đề án, Chương trình OCOP tại Hà Giang đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi khi có sự “góp mặt” của những đặc sản nức tiếng vùng cao nguyên đá như: Rượu thóc Nàng Đôn, mật ong bạc hà, thịt bò khô Mèo Vạc, chè Shan tuyết, bánh chưng gù bà Dung… và nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác nữa. Đến nay, Hà Giang đã có 93 hồ sơ và sản phẩm mẫu đăng ký tham gia đánh giá phân hạng cấp tỉnh của tất cả các huyện trong toàn tỉnh, trong đó những huyện có nhiều sản phẩm nhất là Quản Bạ (22 sản phẩm), Bắc Quang (13 sản phẩm), Hoàng Su Phì (12 sản phẩm)…
93 sản phẩm của 53 tổ chức kinh tế đăng ký đánh giá xếp hạng OCOP năm 2019 thuộc 6 nhóm ngành hàng, gồm: Thực phẩm (73 hồ sơ); đồ uống (12 hồ sơ); thảo dược (3 hồ sơ); thủ công mỹ nghệ, trang ký (1 hồ sơ; vải, may mặc (3 hồ sơ); dịch vụ du lịch và bán hàng (1 hồ sơ).
Hội đồng đánh giá và phân loại sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang đánh giá xếp loại sản phẩm năm 2019. (ảnh: Trang Thảo)
Theo ông Tấn Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chủ tịch Hội đồng đánh giá và phân loại sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang: Sau gần 1 tháng làm việc công tâm, chính xác, khách quan hội đồng đã nghiêm túc xem xét, đánh giá, phân loại các sản phẩm theo đúng các tiêu chí quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TT ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình OCOP Hà Giang bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, đã có 2 sản phẩm đạt hạng 5 sao; 21 sản phẩm đạt 4 sao; 48 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó phải kể đến các sản phẩm như: Trà xanh và Hồng trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao. Mật ong bạc hà Cao nguyên đá, Bạch trà, du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, thị treo gác bếp lợn đen vùng cao Hà Giang Hải Khang... được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao” - ông Sơn cho biết.
Bên cạnh nâng cao chất lượng các sản phẩm, Hà Giang cũng đã tích cực triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng, nổi bật; hiện có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý: Mật ong Bạc Hà, Cam sành Hà Giang, Hồng không hạt, Chè Shan tuyết, Gạo già dui, Bò vàng vùng cao.
Hình thành sản phẩm hàng hóa
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận này các huyện, thành phố của Hà Giang đã nỗ lực thực hiện các bước triển khai, hoàn thành chỉ tiêu về sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP: Một số huyện triển khai thực hiện vẫn chưa được tốt, kế hoạch công tác tổ chức cuộc thi cấp huyện còn chậm, lúng túng, thủ tục pháp lý, việc chuẩn bị hồ sơ còn sơ sài, thiếu văn bản minh chứng… nên nhiều sản phẩm đã đạt về chất lượng nhưng vẫn chưa được cấp chứng nhận.
Đặc biệt là công tác tuyên truyền về kết quả hội thi cấp huyện trên phương tiện thông tin đại chúng chưa kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng.
Các sản phẩm đạt các hạng sao năm 2019 sẽ được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao được in trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng phân biệt, từ đó tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Vì vậy, thời gian tới UBND tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các huyện hoàn thành thủ tục pháp lý, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp để hình thành sản phẩm hàng hóa. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, mở rộng ra tất cả sản phẩm truyền thống có tiềm năng và du nhập thêm các sản phẩm mới, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, phấn đấu sẽ có những sản phẩm gắn sao cấp quốc gia. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP.
Kết quả này có thể xem là một lợi thế của Hà Giang nhằm tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” xây dựng NTM của Hà Giang giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.