Ông Nguyễn Văn Đường - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết: Nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản cho nhân dân, các cấp Hội ND đã tích cực lựa chọn những nông sản đặc trưng của địa phương tham gia vào các hội chợ, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương. Cùng với đó, Hội cũng chú trọng thực hiện công tác tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân; đồng thời hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh, xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm.
Nông dân Nguyễn Duy Khương (trái) giới thiệu sản phẩm OCOP “Vịt trời Duy Khương” với lãnh đạo Hội ND xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh. (ảnh: Đức Thịnh)
Theo thống kê của Hội ND tỉnh Quảng Ninh, trong 5 năm qua (2014-2019) Hội đã xây dựng, triển khai 34 chuyên đề “Nông dân Quảng Ninh hội nhập” và Trang Nông dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức 12 cuộc hội thảo, giới thiệu công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp cho 1.650 hội viên nông dân. Đáng chú ý, để nông dân tiếp cận thị trường một cách năng động, Hội đã tập huấn kiến thức quản trị, maketing cho 40 HTX trên địa bàn tỉnh; thành lập và duy trì hoạt động 47 CLB ngành nghề, 39 tổ hợp tác, 73 HTX, 157 mô hình sản xuất... Hội cũng đã tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, Hội phối hợp tích cực với các ngành, ban, đơn vị của T.Ư Hội ND, Tổ chức phát triển Agriterra Hà Lan, CSA - Bỉ, thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho người dân, HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích khai thác tối đa lợi thế các sản phẩm.
Hội ND tỉnh cũng tích cực hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, với việc xây dựng thành công 5 nhãn hiệu tập thể, bao gồm: Vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí); nếp cái hoa vàng và na dai (Đông Triều); mía tím của các huyện Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ; tôm chân trắng, lợn Móng Cái.
Thời gian tới, Hội ND tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương chủ động triển khai sâu rộng các mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu để tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP. Tập trung hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.