Theo Hội Phụ nữ huyện Cần Giờ, hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ. Đến nay, Hội đã tổ chức được cho 223 chị em được học nghề, trong đó 161 người có việc làm.
Ngoài ra, Hội cũng giới thiệu việc làm cho 1.781 lượt người, giải quyết việc làm cho 1.258 lao động… Duy trì các mô hình giải quyết việc làm, như: May túi xách, đan giỏ, chế biến thủy sản… Từ các mô hình này giải quyết việc làm cho 1.200 phụ nữ.
Nhiều phụ nữ làm kinh tế giỏi ở huyện Cần Giờ nhờ được tạo việc làm và cung vốn vay. Ảnh: C.L
Hội còn phối hợp tìm nguồn vốn cho phụ nữ để đẩy mạnh sản xuất. Từ năm 2019, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã phối hợp, giới thiệu, giải ngân với số tiền hơn 99 tỷ đồng cho 78 tổ vay vốn phát triển kinh tế.
Chị Lê Thị Thanh (ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn) - người được nhận vốn vay cho biết, nhờ có vốn vay hỗ trợ chị đã thành lập nhóm gia công may và giải quyết cho 15 phụ nữ có công ăn, việc làm với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ hơn 3 triệu đồng/tháng để tặng học bổng cho trẻ em nghèo trên địa bàn…
“Đời sống bà con trên địa bàn hiện còn nhiều khó khăn. Cũng nhờ được nguồn vốn vay mà tôi mới vực dậy được kinh tế gia đình và chia sẻ được một số chị em có việc làm, tăng thu nhập” - chị Thanh thổ lộ.
Chị Trang Thị Lệ (ấp Long Thạnh, Long Hòa) cho biết nhờ được vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị chuyển sang trồng cây ăn trái. Kết quả, vườn xoài của chị đã cho năng suất và thu nhập khá tốt. Nhờ đó, đời sống kinh tế của gia đình chị đã tốt hơn trước rất nhiều. “Nhờ vườn xoài, mỗi năm tôi tôi cũng kiếm được gần 70 triệu đồng” - chị cho biết.
Theo UBND huyện Cần Giờ, để nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành Chương trình NTM trong năm nay, năm 2020, huyện tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hỗ trợ nông dân, chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác. Tập trung củng cố và thành lập thêm tổ hợp tác, mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.