Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Thừa Thiên - Huế có diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 70.000ha, diện tích rừng gần 335.000ha. Đặc biệt, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000ha là hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tỉnh có diện tích đất nuôi trồng thủy sản hơn 7.400ha cùng với nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa biển, cửa sông giàu dinh dưỡng. Toàn tỉnh hiện có hơn 17.000 người hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Thừa Thiên - Huế đang tập trung khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống từ lâu đời, như: Nghề đúc đồng, tranh giấy làng Sình, làm diều, gốm Phước Tích, chế biến tương măng, tinh bột sắn Xuân Lai, dệt Zèng ở A Lưới và Nam Đông…
Trên cơ sở các sản phẩm đặc trưng này, tỉnh đang tập trung thực hiện Chương trình OCOP theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị nhằm phát huy kinh tế vùng nông thôn.
Phú Lộc được xem là “thủ phủ” dầu tràm của Thừa Thiên - Huế, với hơn 50 hộ tham gia sản xuất. (ảnh: C.T.V)
Ông Phạm Văn Tần - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh có nhiều sản phẩm có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng, như: Dầu tràm, thanh trà, dệt Zèng,… Việc triển khai OCOP không chỉ đơn thuần là phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như: Giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững...
Thời gian qua, sự phát triển các ngành nghề ở nông thôn của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã góp phần giải quyết hàng ngàn lao động, nhất là lao động nông nhàn, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động ở các vùng nông thôn và làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nâng tầm sản phẩm đặc trưng
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, Thừa Thiên - Huế có hàng trăm sản phẩm có thế mạnh, thuộc các nhóm sản phẩm nằm trong Đề án Chương trình OCO. Trong đó, sản phẩm dầu tràm là một trong những đặc trưng của tỉnh. Huyện Phú Lộc được xem là "thủ phủ" dầu tràm của tỉnh.
Một trong những lợi thế khi triển khai Chương trình OCOP tỉnh Thừa Thiên - Huế là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được xúc tiến đăng ký chất lượng, hoặc đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và nhiều sản phẩm đã định hình thương hiệu. Việc tiếp tục đầu tư và nâng cấp các sản phẩm tiềm này thành sản phẩm OCOP đang có nhiều thuận lợi. |
Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Lộc cho biết, toàn huyện có hơn 50 hộ sản xuất dầu tràm, chủ yếu tập trung ở xã Lộc Thủy và nằm rải rác ở các địa phương. Trên địa bàn đang có một số doanh nghiệp kinh doanh dầu tràm khá hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Hiện nay, ngoài sản phẩm dầu tràm được địa phương đăng ký xây dựng thành sản phẩm OCOP, trà vả và rượu vả cũng đã đăng ký.
Hay như trái thanh trà xứ Huế nổi tiếng từ lâu, đặc biệt sau khi sản phẩm này được công nhận trong top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã phát triển diện tích trồng cây thanh trà khá lớn, tập trung nhiều tại các vùng đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.