Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tối 9/7, nguồn tin của PV Dân Việt xác nhận, ông Phan Công Khanh bị Công an TP.HCM tạm giữ để điều tra theo nguồn tin tố giác tội phạm về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ông Phan Công Khanh quê Bến Tre, được xem là tay chơi siêu xe có tiếng, và là người đại diện pháp luật của Công ty K-Supper ở TP.HCM, chuyên kinh doanh ôtô hạng sang.
Hành vi cụ thể của ông Phan Công Khanh chưa được công bố, song động thái này được đưa ra trong quá trình điều tra theo đơn tố giác tội phạm liên quan đến "trùm buôn siêu xe".
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi mà Phan Công Khanh đang bị điều tra được quy định thế nào trong Bộ luật hình sự?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong các hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Cụ thể, được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi sau khi vay, mượn, thuê hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.
Hoặc đến thời hạn trả lại mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Lúc này hành vi cấu thành tội phạm Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất phát từ quan hệ dân sự có việc giao nhận tài sản, sau đó người nhận được tài sản đã lạm dụng lòng tin của người giao tài sản để có các phương thức thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, tội danh này khác với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở chỗ, hành vi lừa đảo là hành vi có mục đích chiếm đoạt tài sản trước, sau đó mới đưa ra thông tin gian dối để nhận tài sản rồi chiếm đoạt.
Còn đối với lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt chỉ phát sinh sau khi đã nhận được tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp.
Ngoài ra, cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội danh.
Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Về hình phạt, theo bà Thơ, Điều 175 Bộ luật hình sự có mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu đủ yếu tố cấu thành về mặt khách quan của tội phạm.
Trong khi đó, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.