>> Kỳ 1: 3.699 ngày oan trái của ông Chấn: Án mạng bất ngờ và 9 ngày kinh hoàng bức cung, nhục hình
>> Kỳ 2: 3.699 ngày oan trái: 10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan”
>> Kỳ 3: 3.699 ngày oan trái: Những nỗi ê chề gia đình ông Chấn phải gánh chịu suốt 10 năm
Trước khi đi vào hành trình phá án cụ thể, không thể không nói đến hai nhân vật đặc biệt trong việc giải oan cho ông
Nguyễn Thanh Chấn. Người thứ nhất là ông Thân Ngọc Hoạt (SN 1958), anh em đồng hao với ông Chấn (lấy chị ruột của bà Chiến), người cùng làng. Dáng người quắc thước, ăn nói đàng hoàng, lập luận đâu ra đấy, mới tiếp xúc cứ tưởng ông Hoạt được học hành bài bản hay cũng thoát ly công tác đi đây đi đó nhiều năm. Nhưng hóa ra ông chỉ là một nông dân cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng.
Ông Hoạt, ông Chấn, bà Chiến, bà Hải. “Bộ ba phá án” có công lớn trong việc minh oan cho ông Chấn. (Ảnh: Xuân Lực)
Người thứ hai là bà Thân Thị Hải, chị ruột ông Hoạt. Bà Hải là con gái thôn Me, nhưng đi lấy chồng xa, sống ngoài Hà Nội. Chồng bà trước kia cũng làm trong ngành tư pháp. Bà là chủ doanh nghiệp, lái ô tô veo veo, rất có kinh nghiệm lui tới chốn “cửa quan”. Trong “ban chuyên án gia đình”, ông Hoạt là “người tổ chức và chỉ đạo”, bà Hải là “người tư vấn, định hướng cùng đồng hành”, còn bà Chiến vợ ông “vai chính, thu thập chứng cứ ở cơ sở”. Nếu không có ông Hoạt, bà Hải, có thể nói một mình bà Chiến khó có thể tìm ra hung thủ đích thực của vụ án. Chính vì thế, nhiều tờ báo sau này khi đề cập đến vụ ông Chấn đã gọi ba người này là “bộ ba phá án”.
Từ những lời buột miệng ngoài quán
Trong làng có một người đàn ông tên Hiền, trạc 75 tuổi, hay rượu chè, mà rượu vào thì cứ hay lời ra. Ông Hiền thường ra quán của bà Chiến mua mì tôm, mua rượu. Vui chuyện, ông cũng hay ngồi tán đủ chuyện trên giời dưới bể. Bà Chiến nhớ lại, trong một lần ngồi “chém gió” như thế, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, bỗng ông buột miệng: “Bác Chấn bác ấy oan quá! Đáng lẽ lúc ấy tôi phải túm tóc nó lôi ra...”. Nói đến đó, biết mình lỡ lời, ông bèn im bặt. Gặng hỏi thế nào cũng không nói nữa. Ngay tối hôm ấy, bà Chiến về báo với ông Hoạt và ghi ngay thông tin này vào sổ tay. Hôm đó là ngày 24.12.2012.
Ông Thân Ngọc Hoạt - “người tổ chức và chỉ đạo” hành trình phá án. (Ảnh: Đàm Duy)
Tết năm đó, ông Hoạt đi đường vòng là mời cơm rượu anh ruột ông Hiền là ông Khánh – 78 tuổi. Cơm no rượu say, khi được ông Hoạt lân la gợi vụ án năm xưa, ông Khánh tần ngần một lúc rồi lại lỡ lời buông ra một câu: “Chuyện chú Chấn, tôi băn khoăn lắm, nhưng cuối đời tôi mới kể được...”.
Gia đình ông Chấn như bắt được vàng. Như vậy đây là những nguồn tin đầu tiên trong thôn chính thức nói rằng ông Chấn bị oan. Và có vẻ như anh em nhà ông Khánh – ông Hiền biết rõ hung thủ là ai. Hung thủ này có liên quan gì đến họ? Làm thế nào để họ kể ra sự thật ?
Sau tết được ít lâu, lại một lần ông Hiền đến quán, bà Chiến vừa bán rẻ cho ông mấy món đồ, vừa than vãn chuyện chồng khổ sở trong tù. Chừng mủi lòng, ông Hiền lại bâng quơ: “Cái thằng rể không tìm, lại tìm người làng...” Một thông tin mới! Tối đó về, gia đình ông Chấn lại “họp án” ngay. Sau khi rà soát kỹ, họ lên danh sách 8 ông con rể của thôn Me có thể xếp vào diện nghi vấn, trong đó có ông Lý Văn Chúc (62 tuổi), ở với cô Lành (SN 1969) con ông Hiền không có hôn thú. Ông Chúc là người gốc Lạng Sơn, góa vợ, về đây “làm rể” thôn Me. Những năm gần đây, gia đình ông Chúc – bà Lành cơm không lành canh không ngọt, cãi cọ luôn.
Khi chúng tôi hỏi: “Khi đi kêu oan cho ông Chấn, ông có tin sẽ có ngày thắng lợi không?” - ông Hoạt trả lời: “Hai cấp tòa đã xử, 3 cơ quan tư pháp đều nhất trí quan điểm ông Chấn có tội. Chúng tôi biết nếu mình cứ kêu oan mà sai, mà không chứng minh được oan ở đâu nghĩa là mình cũng có tội, cũng liên đới. Chính vì thế chúng tôi rất thận trọng, và chỉ kêu oan khi biết chắc chắn ông Chấn không giết người”.
Chiếc máy ghi âm
Cũng trong cuộc “họp án” tối hôm đó, ông Hoạt quyết định phải dùng một biện pháp nghiệp vụ giống như ông vẫn được xem trên truyền hình: Sử dụng máy ghi âm. Thằng Quyết – con cả của ông Chấn chở mẹ lên chợ Bắc Giang mua một chiếc máy ghi âm hiện đại. Bà Chiến nói: “Khổ, hồi đó có biết gì đâu, mua cái máy ghi âm to tổ bố! Lẽ ra biết thì đã mua cái máy ghi âm bé xíu như của các chú phóng viên đây...”.
Vợ chồng ông Chấn và chiếc máy ghi âm - dụng cụ phá án. (Ảnh: Đàm Duy)
Mang máy về, ông Hoạt bèn sang hướng dẫn cách sử dụng và giao máy cho ông Xuân - cậu ruột của ông Chấn, một người cũng hay nhậu cùng ông Hiền. Tối đến, ông Xuân rủ ông Hiền đi nhậu, trong người thủ sẵn máy ghi âm. Tối về, cả nhà tụ tập lại, hồi hộp bật máy lên xem ông Hiền khai gì. Nhưng băng trống trơn, chẳng nghe được câu nào. Hóa ra là ông Xuân bấm...trượt.
Thua keo này bày keo khác. Bà Chiến lại nhờ một người khác vào cuộc. Người này tên Lược, là em ruột bà Chiến nhưng đồng thời lại làm rể đằng họ nhà ông Khánh – ông Hiền. Lược làm thợ xây trên Hà Nội. Một hôm Lược đột ngột về làng, gọi thằng cháu đằng nhà vợ tên là Hân xuống. Vừa gặp nhau, Lược nghiêm mặt, ra vẻ bề trên trong họ mạc, phủ đầu Hân ngay: “Ông Hiền cho chú biết hết rồi. Mày mà không nói về sau sẽ liên lụy đấy. Khôn hồn mày kể, vỡ chuyện chú còn cứu được mày...”. Mới đầu, Hân chối. Sau đó đến trưa thì bắt đầu nhận: “Có vỡ chuyện thì cháu cũng chẳng việc gì, cháu chỉ nghe người ta kể thôi. Chú muốn biết rõ cứ hỏi bà Lành, bà ấy sẽ đưa ra bằng chứng sống...”.
Lược lại tiếp tục quay lại hỏi ông Hiền, rồi ông Khánh, nhưng các ông này lần lượt xua tay: “Đừng đưa tôi vào cuộc, tôi già rồi, không biết gì đâu...”. Đến nước này, bên nhà ông Chấn phải dọa: “Thằng Hân nó nói hết rồi, chúng tôi đã có bằng chứng... Cứ thế dồn tiếp, cuối cùng một buổi sáng tại quán nhà bà Chiến, ông Hiền nói: “Sự việc này tôi khó nói vì thằng kia nó không nhận. Lâu quá rồi lấy đâu ra chứng cứ. Công an làm sai công an phải đền, tôi không biết gì...”. Rồi hai ngày sau, tại nhà ông Khánh, lần đầu tiên ông Khánh buộc phải thốt ra tên của kẻ giết người: “Chính thằng Chung nó giết, nó lấy 1 nhẫn vàng, 1 nhẫn bạc...”.
Trời, thằng Chung, cái thằng mà khi ông Khánh nói tên nó, bà Chiến, ông Hoạt thậm chí còn chưa nhớ ra ngay. Khi sự việc xảy ra, cũng chẳng ai nghi ngờ nó, cái thằng béo béo, lầm lì, đã thôi trẻ con nhưng vẫn chưa thành người lớn, lâu lâu mới về thôn Me ở với bố. Tên đầy đủ của nó là
Lý Nguyễn Chung, sinh năm 1988, người dân tộc Xan Xí, là con riêng của ông Chúc với người vợ cả. Hộ khẩu của Chung ở thôn Là Bán, xã Nhường Bạn, huyện Lục Bình, tỉnh Lạng Sơn. Khi gây án, Chung mới 15 tuổi. Nó chưa có chứng minh thư, cũng không khai báo tạm trú ở thôn Me. Chính vì thế qua hàng chục cuộc điều tra khi án mạng xảy ra, Chung vẫn bình an lọt lưới.
Để chắc chắn hơn, ngày 20.5, bà Chiến giả vờ đi đòi tiền bán thịt, rồi “tiện thể” ghé ngang nhà ông Khánh một lần nữa. Bà vứt xoạch cái túi để sổ nợ lên mặt bàn, hỏi lại ông Khánh một lần nữa đầu đuôi sự việc. Ông Khánh kể rành rọt, trong khi chiếc máy ghi âm trong cái túi đòi nợ của bà Chiến lặng lẽ chạy: “Tối hôm đó, chưa ăn cơm. Chung sang quán nhà Hoan mua dầu gội đầu. Có cơ hội Chung nảy ra ý định giết cô Hoan, lấy 1 nhẫn vàng, 1 nhẫn bạc. Về nhà máu me đầy người. Ông Chúc, bà Lành đuổi đi tắm. Chung xuống nhà múc nước về tắm, giặt. Ngay đêm đó bà Lành thấy chậu quần áo có máu. Rồi khuya ấy nghe tin cô Hoan chết. Bà Lành hỏi Chung ơi có phải mày làm chuyện đó không? Chung nhận phải. Ông Chúc nằm ở giường kêu trời, bảo bây giờ thì làm thế nào bây giờ? Sáng sớm hôm sau, bà Lành nấu cơm. Bưng bát cơm lên ăn, Chung run tay đánh rơi vỡ tan cái bát. Ăn cơm xong, ông Chúc bắt xe đưa Chung lên Lạng Sơn về quê...”.
Đã nắm đầy đủ bằng chứng ghi âm trong tay, nhưng hàng tuần sau đó, ông Hoạt, bà Hải vẫn cảm thấy chưa yên tâm. Họ tiếp tục tiếp cận ông Khánh, đãi cơm đãi rượu, rất chu đáo nhà có giỗ chạp, vừa dỗ ngon dỗ ngọt, vừa đánh vào tâm lý: “Thực ra thì thằng Chung này không phải con cháu nhà ông. Vậy quan điểm ông thế nào mà ông bảo day dứt trong lương tâm, cuối đời ông mới nói? Vậy thì ông có nhức nhối không, khi ông để người vô tội vào tù, còn kẻ giết người thật thì nhởn nhơ bên ngoài...”. Nhiều lần như thế, cuối cùng ông Khánh nhận lời hợp tác.
Ông Hoạt kể tiếp: “Một đêm quãng hơn 9 giờ, sau khi được ông Khánh đồng ý, tôi mới vào nhà ông ấy. Gõ cổng vào, ông ấy ở nhà một mình. Ông ấy rất đề phòng, gậy gộc, dao kéo cất đi hết, vì sợ nhà bên kia trả thù. Tôi mới bảo: “Ông ơi, bây giờ ông muốn hợp tác thì ông làm cho cháu cái giấy...”. Ông ấy từ chối, bảo mắt kém, anh cứ viết đi tôi ký. Tôi viết, ông ấy bảo không được, rồi đọc nội dung cho tôi viết. Nội dung cái giấy là kể lại chuyện Chung đã giết chị Hoan như thế nào. Rồi tôi đọc lại, ông ấy lấy bút ký ngay. Tiếp theo tôi đi lấy đầy đủ chữ ký của trưởng thôn và một số người làm chứng.
Tiếp theo, cũng bằng các “biện pháp nghiệp vụ” khôn khéo, gia đình ông Chấn lần ra hiện Lý Nguyễn Chung đã lấy vợ, sống tại km 51, xã Eke, huyện Eaka, tỉnh Đăk Lăk.
Ngay sau đó, bà Chiến lập tức viết đơn tố cáo gửi lên Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, tố cáo Lý Nguyễn Chung phạm tội giết người. Nhưng bà cứ đợi, một tháng, rồi hai tháng, vẫn chẳng có hồi âm.
"... khuya ấy nghe tin cô Hoan chết, bà Lành hỏi Chung ơi có phải mày làm chuyện đó không? Chung nhận phải... Sáng sớm hôm sau, bà Lành nấu cơm. Bưng bát cơm lên ăn, Chung run tay đánh rơi vỡ tan cái bát. Ăn xong, ông Chúc bắt xe đưa Chung lên Lạng Sơn..." - ông Khánh kể rành rọt.
Cuối cùng cũng gặp Bao Công
Ngày 5.7.2013, gia đình bà Chiến tìm đến Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Như đã hẹn trước, người tiếp đoàn là ông Vũ Đăng Khoa – Cục trưởng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Nghe ông Hoạt, bà Chiến trình bày một hồi, đọc qua những lá đơn tố cáo, mặt ông Khoa như biến sắc. Ông ngồi lặng đi, rồi nói: “Thế này nhé, bây giờ gần trưa rồi. Gia đình tạm trú ở đâu?” “Ở phố Lò Đúc”. “Vậy thì gia đình cứ về đi, chiều 4 giờ đến đây”.
Ngày 22.5.2014, công an đưa bị can Lý Nguyễn Chung về thôn Me dựng lại hiện trường vụ án giết người.
Gia đình ông Chấn đi về, và sốt ruột quá, mới 2 giờ chiều cả đoàn đã có mặt tại trụ sở Cục Điều tra. Cả buổi chiều hôm đó, hai cán bộ của Cục Điều tra cắm cúi ghi chép lời khai của bà Chiến, ông Hoạt, bà Hải, như lời ông Hoạt là “hết 6 tờ vê đúp”.
Theo lời ông Đăng Khoa, sau khi xem những chứng cứ, tài liệu, Cục Điều tra xác định có đến 90% ông Chấn đã bị kết tội oan. Ít ngày sau, ông Khoa lên tận Bắc Giang, đi thực địa, vào Bệnh viện Tâm thần thăm bà Chiến. Ông kể, “cảm giác của tôi lúc đó là vô cùng day dứt. Đúng là tôi đã bật khóc khi hình dung hai vợ chồng, người bị oan sai, người thì nghĩ quá mà phát bệnh. Điều đó thôi thúc tôi cũng như những đồng nghiệp cần phải minh oan cho người bị oan, đó không chỉ là trách nhiệm mà trên hết là tình cảm giữa người với người”.
Các điều tra viên đã tỏa đi khắp nơi tìm bắt hung thủ. Thông qua chị gái, anh rể, mẹ kế của Lý Văn Chung, họ vận động Chung ra đầu thú. 10 năm lẩn trốn tạo cho Chung những bản năng hết sức khôn ngoan. Chung đưa ra hàng loạt điều kiện, nào là phải được gặp thủ trưởng, nào phải được giam bên quân đội. Ông Khoa – Cục trưởng và ông Lê Minh Long – Cục phó, đã phải thuyết phục Chung qua điện thoại: “Cháu gây án khi chưa đến tuổi thành niên, nếu ra tự thú cháu sẽ được khoan hồng. Các chú hứa sẽ bảo vệ vợ con cháu. Khi ra tù sẽ tạo điều kiện về công ăn việc làm...”.
Những ngày đó, gia đình ông Chấn cũng hồi hộp lắm. Nếu vì lý do gì đó, không bắt được thằng Chung, thì chẳng biết bao giờ nỗi oan của ông Chấn mới giải được. Nghe những lời phân tích có lý có tình của ông Khoa, ngày 25.10.2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, thừa nhận tội giết người.
Ngày 6.11.2013, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ra quyết định tái thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.
Trước đó, ngày 4.11.2013, các cơ quan chức năng ra lệnh “tạm tha, đình chỉ thi hành án”, ông Chấn được thả tự do, chính thức trở về thôn Me với gia đình sau đúng 3.699 ngày bị tù oan.
"Cảm giác của tôi sau khi đi thực địa, vào Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang thăm bà Chiến là vô cùng day dứt. Tôi đã bật khóc khi hình dung hai vợ chồng người bị oan sai, người thì nghĩ quá mà phát bệnh. Điều đó thôi thúc tôi và các đồng nghiệp cần phải minh oan cho người bị oan, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm giữa người với người. Trong thời gian điều tra vụ ông Chấn, nhiều điều tra viên của chúng tôi nhà ngay tại HN nhưng chúng tôi yêu cầu họ không về nhà. Ông Chấn còn chưa được về nhà ngày nào, chúng tôi còn chưa yên tâm...” - ông Vũ Đăng Khoa - Cục trưởng Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.