Theo kết luận điều tra, công an TP.Hà Nội xác định, việc ngôi nhà 43 bị sập là do quá trình ngôi nhà 41 thi công không đảm bảo đúng quy định.
Cụ thể, ngôi nhà số 41 Cửa Bắc thuộc sở hữu của ông Đỗ Văn Chiu và bà Ngô Thị Đồi. Cả hai người này đã chết và không để lại di chúc gì liên quan đến ngôi nhà.
Bà Nguyễn Thị Vân (83 tuổi, trú số nhà 41 Cửa Bắc) là người thuê lại ngôi nhà từ năm 1956 đến nay. Bà này có đơn xin cải tạo, sửa chữa lại ngôi nhà 41 do bị xuống cấp gửi tới UBND quận Ba Đình và được UBND quận chấp thuận.
Bà Vân sau đó ký hợp đồng phá dỡ nhà cũ và đào móng mới với Trần Tiến Tuân (33 tuổi, Thường Xuân, Thanh Hoá) với giá trị 16 triệu đồng.
Quá trình điều tra xác định, sau khi ký hợp đồng với bà Vân, Tuân đã thuê lại Bùi Quốc Tùng (32 tuổi,Tây Hồ, TP.Hà Nội) và Tùng đã gọi Trần Văn Minh (39 tuổi, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) lái máy xúc đào móng nhà 41.
Quá trình thi công không đảm bảo yêu cầu, đúng kỹ thuật đã dẫn đến việc sập ngôi nhà liền kề số 43 vào ngày 4.8.2016 khiến 2 người tử vong và 3 người khác bị thương.
Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc đã khiến 5 người thương vong
Theo kết quả giám định của Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội – Sở Xây dựng Hà Nội xác định nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến đổ sập số nhà 43 Cửa Bắc là do biện pháp thi công xây dựng số nhà 41 liền kề không hợp lý.
Việc nhà thầu thi công đào móng với hố đào rộng theo kiểu dùng cho móng nhà, với độ sâu lớn hơn đáy móng chung mà không thực hiện biện pháp thích hợp để bảo vệ móng với nền đất dưới móng của nhà số 43.
Cùng với đó, việc đào móng nhà 41 bằng cơ giới gây rung động, việc vỡ đường ống cấp nước trong quá trình đào móng góp phần làm nhão, thay đổi trạng thái của đất nền dưới móng, làm suy giảm khả năng chịu tải đất nền dưới móng.
Bên cạnh đó, số nhà 43 từng cơi nới nâng tầng nhưng không gia cường mở rộng móng trong khi thân nhà này có sơ đồ kết cấu kém ổn định cho nên đã sập đổ đột ngột khi có tác động bất ngờ của tải trọng ngang do việc đào móng số nhà 41 gây ra.
Cơ quan CSĐT xác định, Tuân và Tùng là nhà thầu thi công phá dỡ, đào móng nhưng không có bằng cấp chứng chỉ về xây dựng và chưa được đào tạo qua trường lớp.
Hành vi của Trần Tiến Tuân và Bùi Quốc Tùng đã phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 229 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.
Cũng theo cơ quan điều tra, người lái máy xúc Trần Văn Minh làm vỡ đường ống cấp nước trong quá trình thi công đào móng số nhà 41 là một nguyên nhân gây sập đổ nhà liền kề số 43.
Đường ống nước do ông Minh lái máy xúc làm vỡ cũng là một nguyên nhân gây ra vụ sập ngôi nhà 43.
Tuy nhiên, hành vi của ông Minh không vi phạm các quy định cụ thể về xây dựng. Mặt khác, ông này chỉ là người làm thuê nên hành vi của ông Minh không phạm tội.
Về phía bà Vân, cơ quan điều tra xác định bà này đã lựa chọn nhà thầu thi công không đủ năng lực, không kiểm tra các biện pháp thi công, an toàn vệ sinh môi trường nên đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 229 BLHS năm 1999.
Tuy nhiên, hiện nay bà Vân đã 83 tuổi, sau khi xảy ra vụ án bà Vân cùng gia đình tích cực khắc phục hậu quả, nên Cơ quan CSĐT, Công an TP.Hà Nội miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Về mặt dân sự, các bên đã tự hoà giải, bồi thường vật chất cho nhau.
Theo đó, cơ quan CSĐT, Công an TP.Hà Nội đề nghị truy tố hai bị can Trần Tiến Tuân và Bùi Quốc Tùng là nhà thầu thi công công trình phá dỡ, đào móng số nhà 41 Cửa Bắc về hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.