Sáng nay (19.8), trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ đẻ chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân bị Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường thả trôi sông) cho biết: Kết quả giám định ADN mẫu vật gia đình và thi thể tìm thấy ở bến Văn Đức sau đó xác định là chị Huyền trùng khớp gần như 100%, không phải 95% như một số tờ báo thông tin.
Bà Hiền bên di ảnh con gái xấu số.
“Cơ quan giám định công bố kết quả giám định ADN mẫu vật của gia đình và thi thể Huyền trùng khớp gần như là 100%, chính xác là 99,99%. Tỷ lệ giám định như thế thì không tin tưởng sao được. Gia đình tôi đã nói nhiều lần là hoàn toàn tin tưởng vào kết quả giám định ADN của cơ quan giám định. Tôi cũng không hiểu vì sao lại có thông tin tin trùng khớp chỉ 95% trên báo chí”, bà Hiền bức xúc.
Theo mẹ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, ngay từ lúc nhìn thấy thi thể ở bến Văn Đức, bà đã có linh cảm rằng đây là con gái mình.
“Ngay từ lúc nhìn thấy thi thể ở bến Văn Đức hôm 18.7, cả tôi và Huy (anh Nguyễn Hữu Huy, chồng chị Huyền - PV) đều có linh cảm đó là thi thể của Huyền. Lúc đó chân tay tôi tự nhiên bủn rủn khi tiếp xúc với thi thể. Tôi tiếp xúc với nhiều thi thể nghi là con tôi, nhưng đây là lần tôi thấy người có cảm giác lạ thế. Tôi thấy thi thể giống con gái mình quá, chỉ riêng cái áo cháu mặc hơi lạ, nhưng tôi nghĩ là có thể người ta mặc áo khác cho con tôi. Với linh cảm của một người mẹ, tôi có niềm tin thi thể là con mình nên đã đề nghị được xét nghiệm ADN. Khi biết được kết quả xét nghiệm ADN xác định thi thể đó đúng là con tôi, chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào kết quả giám định của Viện Giám định pháp y (Bộ Công an). Tôi không tin tưởng thì tôi làm cầu siêu cho con tôi làm gì”, bà Hiền cho biết.
Chuyên gia về di truyền học nói gì?
Thông tin từ tờ Kiến Thức, Giáo sư Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho biết, trong giám định ADN, với những mẫu giám định người sống thì xác suất sai gần như bằng 0. Nhưng đối với những hài cốt lâu năm thì xác suất đúng chỉ là 95 - 97% vì ADN trong hài cốt chôn lâu năm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm không còn chất lượng nữa. Quy trình từ lúc có mẫu đến lúc cho ra kết quả ADN khá phức tạp và sử dụng nhiều loại máy khác nhau, trong đó quan trọng nhất là khâu tách chiết ADN. Lúc này, yêu cầu về trình độ của kỹ thuật viên khá cao. Nếu tách chiết không chuẩn thì sẽ cho ra kết quả sai lệch...
Được biết, GS Lê Đình Lương đã giám định hàng trăm mẫu ADN thuộc dạng "khó", trong đó có một vài mẫu xương cũng bị ngâm trong nước một thời gian khá dài. Ông cho biết, việc lấy ADN từ mẫu xương ngâm dưới nước khó khăn hơn nhiều so với mẫu được chôn cất bình thường. Thế nhưng, ngay cả những mẫu được chôn cất, việc lấy mẫu ADN cũng có độ khó - dễ khác nhau. Nếu thi thể chôn cất ở vùng đất có nhiều vi khuẩn thì sẽ rất khó khăn trong việc chiết tách ADN. Thậm chí có những mẫu xương không còn ADN nữa. Tuy nhiên, các mẫu này đa phần là vài chục năm chứ chưa bao giờ có mẫu xương của người mất vài tháng mà không tìm được ADN, dù là dưới nước hay được chôn cất bình thường.
Khi được hỏi về khả năng chính xác trong mẫu xương của chị Huyền ở vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, GS Lê Đình Lương cho hay, nếu được cầm mẫu xương đó thì ông mới có thể biết chắc chắn nó còn ADN không. Còn nói về tính chính xác thì chắc hẳn các cơ quan chức năng đã làm rất kỹ rồi, nên một khi cơ quan chức năng đã làm rõ thì không nên đặt câu hỏi thêm về việc mẫu đó có chính xác hay không. Còn thực tế cũng đã có những vụ việc, thậm chí người ta không thực hiện phân tích ADN mà vẫn cho ra kết quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.