10 sự thật về số tiền 200 tỷ đồng
Mở đầu phần tranh luận, luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Navibank (được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án) cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều nội dung sai khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank.
Bị cáo Huyền Như và các bị cáo khác tại phiên tòa. Ảnh: Hữu Ký
Về tư cách tham gia tố tụng của Navibank, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng tại phiên toà sơ thẩm, Navibank đã yêu cầu xác định lại tư cách của mình không phải là nguyên đơn dân sự mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến số tiền 200 tỷ đồng mà 4 nhân viên Navibank đã gửi tại Vietinbank. Tuy nhiên, điều này đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chấp nhận.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, bản án sơ thẩm đã xác định sai nguyên nhân dẫn đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt. Luật sư Đức cho biết có ít nhất 10 sự thật đối với số tiền gửi của 4 nhân viên Navibank tại Vietinbank: Hợp đồng thật, nội dung thật, chữ ký thật, con dấu thật, thẩm quyền thật, tài khoản thật, tiền gửi thật, hạch toán thật, sử dụng thật và số dư thật tại Vietinbank.
“Đó là những sự thật cần phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Chỉ còn một sự thật cuối cùng là Vietinbank đã từ chối chịu trách nhiệm về sự thật”- ông Đức khẳng định.
Đặc biệt, theo luật sư Đức, bản án sơ thẩm đã sai lầm khi xác định đó là số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt của Navibank. “Sự thật, đây chính là số tiền mà Vietinbank đã chiếm đoạt từ tài khoản tiền gửi hợp pháp của khách hàng”- luật sư này nói.
Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị HĐXX thu hồi tang vật, tiền do phạm tội mà có để trả lại Vietinbank, để Vietinbank trả lại cho 4 nhân viên Navibank. Đặc biệt ông cũng đề nghị trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp các khoản tiền thu lợi bất chính bị sung công (gần 1.000 tỷ đồng).
Bản án sơ thẩm có nhiều sai sót
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Duy Dự (Đoàn luật sư Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích của Công ty Hưng Yên cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều sai sót, không đúng pháp luật.
Cụ thể nội dung thứ nhất là cho rằng Vietinbank chi nhánh TP.HCM không biết 3 công ty, trong đó có Công ty Hưng Yên mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM là không đúng. Bởi theo cơ quan giám định, hồ sơ mở tài khoản Vietinbank của Công ty Hưng Yên không bị Huyền Như làm giả. Trong các phiên toà Huyền Như cũng thừa nhận không làm giả hồ sơ của Công ty Hưng Yên như bản án sơ thẩm đưa ra.
“Trên thực tế Vietinbank còn cung cấp cho các cơ quan các bản sao kê trên hệ thống của Vietinbank, Vậy bản án sơ thẩm căn cứ vào đâu mà đưa ra nhận định này?”. Ông Dự đặt dấu hỏi và phản bác bản án sơ thẩm khi cho rằng Vietinbank không có trách nhiệm về tiền gửi của khách hàng bị Huyền Như chiếm đoạt.
Cũng trong ngày 25.12, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người đại diện cho các công ty bị Huyền Như chiếm đoạt tiền gồm Công ty An Lộc, Công ty Phương Đông, Công ty SBBS, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu cũng cho rằng bản án sơ thẩm có một số nội dung bị sai sót nên yêu cầu HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Trước đó đại diện Ngân hàng ACB cũng yêu cầu HĐXX xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ACB và Vietinbank, đồng thời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ACB còn yêu cầu tách phần dân sự liên quan đến ACB giải quyết riêng bằng một vụ án khác.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Pháp luật phải bảo vệ lẽ phải
Việc đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị Vietinbank phải trả số tiền 1.085 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp theo tôi là hoàn toàn có cơ sở.
Bởi theo lập luận của đại diện Viện Kiểm sát thì toàn bộ số tiền này đã được các công ty mở và gửi vào tài khoản hợp lệ, hợp pháp tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ, tiền này cũng đã vào đến hệ thống của Vietinbank và được thống kê kế toán của Vietinbank. Đây là quan hệ gửi giữ tài sản, đúng với bản chất của giao dịch tiền gửi và bản chất của hoạt động giữa ngân hàng và khách hàng, trong đó khách hàng là người gửi tiền, Vietinbank là người giữ tiền. Quan hệ này đã được pháp luật quy định rõ. Hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi cho thấy Huyền Như chỉ chiếm đoạt sau khi tiền gửi hợp pháp đã vào Vietinbank.
Dựa vào căn cứ Viện Kiểm sát đưa ra, trong trường hợp này Huyền Như không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà là tội Tham ô tài sản (Tham ô tài sản của Vietinbank, đơn vị này là doanh nghiệp cổ phần có vốn của Nhà nước). Theo Bộ luật Hình sự, tội danh này có mức án cao nhất là tử hình nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
Theo tôi vấn đề lớn nhất ở vụ án này không phải là thêm tội danh cho Huyền Như mà pháp luật phải bảo vệ lẽ phải, đem lại niềm tin cho các cá nhân, tổ chức trước những quan hệ giao dịch. Những giao dịch hợp pháp thì phải được pháp luật bảo vệ.
Ngọc Lương - Lê Chiên (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.