Nguyễn Xuân Sơn trong đại án OceanBank. (Ảnh: L.K)
Như Dân Việt thông tin, ngày 8.1.2018, TAND thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng và 11 bị can bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 8 bị can bị truy tố tội Tham ô tài sản. Riêng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc của PVC bị truy tố cả hai tội danh trên.
Trong số 12 người bị truy tố về tội Cố ý làm trái có Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc của PVN. Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nguyễn Xuân Sơn biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án tạm ứng hơn 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự, tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù).
Trước đó, trong vụ đại án Hà Văn Thắm và đồng phạm, Nguyễn Xuân Sơn cũng phải hầu tòa. Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án (từ 28.8 đến 29.9), Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên phạt cựu Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 17 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng hợp hình phạt cả 3 tội danh nêu trên, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành mức án chung là tử hình.
Trong vụ án này hành vi của Nguyễn Xuân Sơn được xác định: Khi về PVN làm Phó tổng giám đốc, Sơn lại được giao chuyên trách quản lý vốn của PVN. Các công ty thành viên của PVN đều có tiền gửi tại OceanBank, từng có thời gian tổng tiền gửi lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
Theo tòa, trong số tiền 1.500 tỷ đồng của OceanBank chi lãi ngoài hợp đồng có 246 tỷ dành cho PVN. Số tiền chi cho PVN, ông Sơn lại là người nhận.
Căn cứ lời khai của các bị cáo, toà cho rằng có đủ căn cứ xác định Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ buộc cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm chi tiền.
Tòa đánh giá việc chi tiền của hai bị cáo Thắm và Sơn cùng lúc xâm phạm hai khách thể: PVN (doanh nghiệp nhà nước) và OceanBank. Trong 246 tỷ đồng, các cơ quan tố tụng kết luận có ít nhất 49 tỷ đồng tiền của nhà nước (qua việc góp vốn của PVN vào OceanBank). Do vậy, hành vi của ông Sơn cấu thành tội Tham ô tài sản. Bị cáo Thắm là đồng phạm giúp sức.
Tòa cho rằng, Nguyễn Xuân Sơn là người khởi xướng chiếm hưởng toàn bộ, quá trình điều tra chưa khai báo thành khẩn nhằm che giấu tội phạm, do vậy cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Vụ án xét xử ông Đinh La Thăng và đồng pham bắt đầu từ ngày 8.1.2018, phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 14 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Ba kiểm sát viên là Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội), Nguyễn Minh Đồng (kiểm sát viên cao cấp), Nguyễn Mạnh Thường (kiểm sát viên cao cấp) sẽ là những người thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Ngoài ra, VKSND TP Hà Nội còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.