Trong một bài phóng sự, tác giả Trần Văn, người từng chứng kiến cảnh rượt cá leo đã có đoạn mô tả như sau: “Các cặp cá leo làm tình mùi mẫn, quần nhau cho bằng thích, rượt đuổi nhau tung tóe nước, lấp lánh dưới ánh trăng bàng bạc”...
Cứ đến mùa nước lên, khoảng từ tháng sáu đến tháng chín âm lịch, mùa giao phối, chúng thích rượt nhau trên ruộng, trên đất ngập nước, đôi khi phóng mình lên khỏi mặt nước nên dân gian mới gọi là cá leo. Đặc biệt vào những đêm trăng thượng tuần, con đực con cái từ các sông ngòi, kinh rạch kéo nhau vào bờ, leo lên ruộng, nơi có nước xăm xắp để đùa giỡn và giao phối.
Cá leo vừa mới đánh bắt.
Đây là một loài cá nước ngọt, da trơn, mình dẹp và dài giống như cá trèn nhưng to hơn nhiều, có con nặng đến 3 – 4 kg. Cá leo được phân bố ở nhiều vùng khác nhau, nhiều nhất là dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Đặc biệt tại các vùng gần biên giới Việt Nam - Campuchia như Châu Đốc, Tịnh Biên, Tân Châu (An Giang) đã một thời nổi tiếng về nghề săn bắt cá leo.
Đó là chuyện của ba bốn mươi năm về trước. Giờ đây cá leo không còn nhiều và cũng không còn cảnh cá “leo” lên ruộng như hồi xửa hồi xưa nữa. Muốn săn bắt chúng chỉ còn có cách giăng lưới, cằm câu, dỡ chà. Thịt cá leo săn chắc, thơm ngon, ngọt và béo lại không xương nên được các bà nội trợ chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như cá leo chiên tươi, ướp muối chiên, kho lạt, nướng, nấu canh chua… món nào cũng có đẳng cấp.
Cá leo nướng muối ớt.
Khô cá leo bầy bán ở chợ.
Một trong những món ngon độc đáo mà các nhà hàng thường chế biến phục vụ cho du khách hiện nay là cá leo nướng muối ớt. Muốn chế biến món nầy trước hết chúng ta chọn mua những con còn tươi sống đem về làm sạch nhớt bằng cách rửa nước ấm hoặc nước muối, móc bỏ mang, ruột, cắt bỏ vây, để cho ráo nước. Sau đó đem cá ướp với tỏi, ớt, chút bột nêm và bột ngọt cho thắm đều trước khi đem nướng trên bếp than hồng hoặc bếp điện. Trong khi nướng, chúng ta nên trở cá thường xuyên, xát thêm muối ớt và dầu ăn nhiều lần cho đến khi da cá chuyển màu, mỡ cháy xèo xèo, bốc mùi thơm lựng là cá đã chín. Đặc biệt cá leo da mỏng, thịt mau chín nên khi nướng cần tránh cháy khét mất ngon.
Nước chấm thích hợp nhất với món cá nướng là nước mắm chua cay hoặc muối ớt vắt chanh. Món nầy có thể cuốn bánh tráng kèm thêm các loại rau, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế ... Có thể coi đây là món cá vừa ngọt lành vừa lạ miệng, ăn nhiều ít ngán nên mọi người đều ưa thích.
Ngoài ra con cá leo còn dùng để làm khô. Khô cá leo rất hiếm, nó vừa ngon vừa hiền. Ai đã đến An Giang từng thưởng thức đặc sản khô cá tra phồng, cá lăng, không thể bỏ qua món khô cá leo vì thịt nó không thua gì các loại khô khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.