Đất “Tằm tang” và làng hoa Nghi Tàm xưa

Xuân Thắng Chủ nhật, ngày 17/02/2013 07:15 AM (GMT+7)
Dân việt - Từ chùa Trấn Quốc, nhìn theo ven Hồ Tây, qua phố yên Phụ, ở chỗ cuối con đường có vài cây cơm nguội còn sót lại là đến đất “Tằm tang” – Làng hoa Nghi Tàm xưa, nay thuộc phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.
Bình luận 0

Nhìn tổng thể, mảnh đất Nghi Tàm như một bán đảo lớn của Hồ Tây, với nhiều truyền thuyết và được sử sách ghi lại là vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long với nghề trồng dâu, nuôi tằm, trồng cây, hoa cảnh. 

img
Dấu tích Cổng làng Nghi Tàm - Ảnh Huyền Phương.

Thời nhà Lý, Đất Nghi Tàm là nơi cung Từ Hoa của Công chúa con vua Trần Tông (1128 – 1138). Công chúa đã cùng cung nữ chọn đất Nghi Tàm làm nơi mở trại, dạy nhân dân trong vùng trồng dâu, nuôi tằm.

Theo sách “Hà Nội nghìn xưa” của hai tác giả Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán: Trong địa phận làng này “ngàn dâu xanh ngắt một màu” chạy suốt bờ đê.

Có lẽ vì thế mà vùng đất này có tên gọi là Nghi Tàm. Chữ Nghi nghĩa là sự thích hợp và chữ Tàm nghĩa là “Tằm”. Ý muốn nói đến vùng đất có sự thích nghi với sinh trưởng của con tằm, luôn sinh xôi và cần mẫn nhả tơ. Cái tên Làng Nghi Tàm hình thành cũng là từ nghĩa ấy.

Trong cuốn “Dấu tích kinh thành” của đồng tác giả Giang Quân và Phan Tất Liêm có ghi: “Thần hoàng Làng Nghi Tàm là bà chúa tằm, hiệu trong sắc phong là Quỳnh Hoa phu nhân. Bà sinh ra ở Làng Nghi Tàm, con một ông quan họ Trần, dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1479), nhưng vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con của Ngọc Hoàng đầu thai xuống trần. Bà lấy chồng là Tiến sĩ Liễu Nghị. Vì có công trong một đợt chống trả quân Chiêm Thanh tàn phá Thăng Long, chồng bà được phong làm Phủ doãn Phụng Thiên, còn bà được vời vào cung để dạy cung nữ nghề nuôi tằm, dệt lụa”.

Phải chăng, giữa công chúa con vua Trần Tông ra ở cung Từ Hoa mở trại “tằm tang” và bà chúa tằm này có mối liên quan gì với nhau ?!

Nghi Tàm cũng là vùng đất xưa kia có được hai trong số tám cảnh đẹp của hồ Tây: Bến trúc – Bến tắm và Đồng bông (Đồng hoa). Do địa thế đất Nghi Tàm nhô ra ở hồ Tây thành một bán đảo, rất thuận tiện làm bến đỗ cho du thuyền thắng cảnh Hồ.

img

Vùng đất Nghi Tàm nhô ra như một bán đảo bên Hồ Tây - Ảnh: Huyền Phương.

Thời chúa Trịnh Giang, chỗ dẻo đất nhô ra này còn là bến tắm của nhà Chúa. “Bến Tắm – bến Trúc” Nghi Tàm nổi tiếng kinh kỳ xưa với câu ngạn ngữ: “Bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái”.

Theo sử sách, đồng hoa xưa kéo dài từ đất Nghi Tàm đến phường Yên Hoa (Yên Phụ). Nghề trồng hoa cảnh của Nghi Tàm có truyền thống lâu đời. Ở đây có nhiều loài hoa, nhưng nổi lên nhất là hoa cúc.

Cúc là loài hoa đẹp, bền, trồng chậu, cắm lọ, cắm bát đều được; có loại cánh đơn, loại cánh kép, hình dáng phong phú, nhiều màu sắc. Cúc cũng là loài hoa có nhiều giống nhất trong các loài hoa, như: Châu sa, bạch thọ mi, đầm hồng, hoàng kim tháp, hạc linh, vạn thọ kim tiền... Theo người dân Làng Nghi Tàm, đó là cách gọi của người quyền quí xưa, còn dân gian quen gọi nôm na theo hình dáng và sắc hoa như cúc vàng to, cúc vàng nhỏ, cúc trắng, cúc gấm, cúc tiền trinh...

Nghề trồng hoa Nghi Tàm còn nổi tiếng bởi cây hoa Trà, là loại hoa hiếm và khó trồng. Đặc biệt, Nghi Tàm sau còn phát triển nghề trồng cây thế, bon sai, nuôi cá cảnh.

img

Một đoạn phố thuộc làng Nghi Tàm xưa - Ảnh Huyền Phương.

Theo ông Nguyễn Đức Nhiệm (nhà ở Ngõ gạch ngay cổng Làng) – người có nghề làm cây cảnh nhiều năm ở Nghi Tàm thì, cây thế ở Nghi Tàm thời đó vào loại độc nhất vô nhị, không vùng nào có.

Cây cảnh Nghi Tàm do chính các cụ nghệ nhân trong Làng như cụ Quyết Bội, cụ Hai Ninh... tìm kiếm, thu về từ gốc (cây mộc), rồi tạo thành các dáng, thế một ngọn một cành, trực, siêu, huyền, bạt phong, song thụ... Trong thế trực còn có phụ tử, huynh đệ, không cây nào giống cây nào, sáng tạo và tinh tế.

Có khi cả một đời các cụ chỉ sáng tác, tạo thế vài ba cây và chủ yếu để chơi, thưởng ngoạn. Vậy nên cây thế ở Nghi Tàm nổi tiếng khắp miền Bắc, không giống với các vùng làm cây cảnh khác cùng thời.

Ở vào độ tuổi gần 70, thuộc thế hệ sau của hàng ngũ nghệ nhân trong làng, nhưng vốn yêu cây, mê hoa, ông Nhiệm nhớ lại, hồi còn nhỏ, khoảng năm 1954, cứ mỗi dịp tết đến, người trồng hoa, cây cảnh Nghi Tàm thường phải đến xếp chỗ, mua chỗ trước ở tận chợ Hàng Lược để bán hoa cho cả vùng. Sớm hay muộn, dù ế hay đắt khách, cứ đến chiều 30 tết mới rõ, có khi người đi mua hoa tết phải chen nhau để mua, còn người bán phải cầm hoa trèo lên cao tận bậu cửa sổ để bán từng nắm hoa.

Nghi Tàm thời đó nổi tiếng vì có cả hoa tươi, quất tết và cây cảnh “độc nhất vô nhị”. Hoa tươi cũng có ở Ngọc Hà, đều là đất trồng hoa của kinh thành.

img

img

Chợ hoa Nghi Tàm ở ven Hồ Tây. Chợ thường chỉ sầm uất vào dịp Tết Nguyên đán - Ảnh Huyền Phương.

Cây hoa, cây quất Nghi Tàm thời đó đẹp và nổi tiếng là nhờ chất đất của Làng và người trồng có kinh nghiệm. Kỹ thuật đảo quất làm sao để quất ra hoa, quả trái vụ (đúng vào dịp tết) cũng là sự vô tình, rồi đúc rút thành kinh nghiệm. Người làng Nghi Tàm do hằng năm phải đốn quất sang chỗ đất mới, cao hơn để chạy lụt, trong khoảng tháng tư, tháng năm âm lịch. Lâu dần, kinh nghiệm đó đã trở thành bí truyền của Làng, rồi mới phổ biến cho những người trồng quất vùng.

Trên đất Nghi tàm còn có một ngôi chùa lớn, thuộc hàng cổ kính vào bậc nhất nhì cả nước với cảnh sắc nên thơ, huyền ảo, tĩnh lặng và uy nghi giữa một vùng trời nước mênh mông - chùa cổ Kim Liên (xưa còn gọi là chùa Sen Vàng, có mái lợp ngói ánh màu vàng chanh, xung quanh toàn hoa sen).

img

Chùa Kim Liên hướng nhìn ra mặt hồ Tây trong xanh. Ba chữ Kim Liên Tự nổi bật duyên dáng trên tam quan mang dáng dấp cung đình - Ảnh Huyền Phương.

Vào năm Dương Hòa thứ 5 (1639), khi công chúa từ giã cõi trần, cung điện được xây lại thành chùa Đại Bi. Có thời kỳ, Chùa còn có tên gọi là chùa Đổng Long. Năm 1771 (thời Lê), chúa Trịnh Sâm cho rỡ chùa Bảo Lâm ở phía Tây kinh thành, tu bổ thêm vào và đặt tên mới là Kim Liên Tự.

Năm 1792 (năm thứ 5, đời Quang Trung), Chùa được tu tạo lớn lần nữa để có diện mạo, cảnh sắc như ngày nay với những đường nét của nghệ thuật kiến trúc Tây Sơn, gần giống với chùa Tây Phương ở Thạch Thất.

Kiến trúc của Chùa Kim Liên tự phác họa theo hình chữ “am” (giống như chữ càn trong dịch học) với ba lớp nhà. Nếp thứ nhất và thứ nhì trông về hướng Tây, riêng nếp thứ ba áp lưng lại nếp thứ nhì, mặt quay về hướng Đông. Chùa có gác, nhiều mái cong, những đầu đao vút bổng mang nét nghệ thuật tinh sảo. Chùa có cảnh quan rộng, hữu tình, lá chen hoa rất ngoạn mục. Mới đây, năm 2009 chùa Kim Liên tiếp tục được Nhà nước cùng nhân dân đầu tư, trùng tu bảo tồn di tích.

img

Làng Nghi Tàm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh Huyền Phương.

Cảnh sắc nên thơ đẹp mê hồn của Làng “Tằm tang” – Làng hoa xưa còn là nơi sinh ra nhà thơ nữ nổi tiếng của kinh thành Thăng Long, bà Huyện Thanh Quan. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh, biệt hiệu là Nhàn Khanh. Thơ của bà thanh lịch, nặng tình yêu nước, nhưng man mác nỗi buồn hoài cổ. Chỉ một bài thơ “Đèo Ngang” cũng đủ xếp bà vào hàng những nhà thơ lớn cuối thế kỷ 19.

Nghi tàm thời nay đất đã trật lại, nhiều công trình lớn cùng nhà cửa mọc lên san sát. Dù vẫn là một vùng đất đẹp và được xem là khu đất “vàng” ở Hồ Tây, nhưng những giá trị xưa của Làng cũng đã dần mai một. Thay vào “đồng bông”, “đồng hoa” xưa, nay Nghi Tàm chỉ còn sót lại một vài mảnh vườn nhỏ, hiếm hoi do sự nuối tiếc của người yêu cây, mê hoa mà để lại. Có người khi đến Nghi Tàm, còn ngỡ đây là một “Làng Tây” với vẻ sang trọng bởi những biệt thự hiện đại, lộng lẫy, nằm ngay vị trí "đất vàng” của Hồ Tây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem