Nguồn gốc Tết bánh trôi, bánh chay trong phong tục Việt

N.H.H - HP Thứ tư, ngày 06/04/2016 11:28 AM (GMT+7)
Người Việt và người Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có nhiều nét văn hóa dân gian tương đồng. Trong đó có phong tục tết Hàn thực mà người Việt thường gọi là Tết bánh trôi, bánh chay nhằm ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hằng năm.
Bình luận 0

Tết Hàn thực trong Điển tích văn hóa Trung Hoa

Hàn thực bắt nguồn từ câu chuyện về Tấn văn Công. Thuở nhỏ, Tấn Văn Công tên là Trùng Nhĩ bị cha ghét bỏ, ông cùng với đoàn tùy tùng trốn ra nước ngoài. Trong đoàn có Giới Tử Thôi (có sách viết Giới Chi Thôi - ẩn sĩ thời Xuân Thu) là người trung thực, có khí tiết và rất quý Thái tử. Đoàn người đi lang thang hết nước này đến nước khác, thiếu thốn cực khổ trăm bề. Một hôm, Thái tử ốm, không ăn được rau rừng, cháo muối. Giới Tử Thôi sợ Thái tử không qua khỏi được, chàng kín đáo xẻo miếng thịt đùi mình nấu cháo để Thái tử ăn. Ít hôm sau biết chuyện, Thái tử khóc và nói: “Ơn sâu nặng này biết bao giờ trả được!”.

Sau hai mươi năm khổ ải, Thái tử trở về nước và lên ngôi vua, hiệu là Tấn Văn Công. Tấn Văn Công đền ơn trả nghĩa mọi người, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

img

Tranh vẽ cảnh Tấn Văn Công và quần thần đi thăm mộ Giới Tử Thôi (Nguồn: ĐSPL).

Lý giải cho nguyên nhân trên, sách Khảo cổ thư có phần hợp lý hơn (dẫn lại từ Ẩn sĩ Trung Hoa, do Cao Tự Thanh dịch từ nguyên bản Hoa văn Trung Quốc cổ đại đích ẩn sĩ, thương vụ ấn thư quan Quốc tế hữu hạn công ty, Bắc Kinh, 1996): Giới Chi Thôi cùng bọn Triệu Thôi, Hồ Yển đều là Tá mệnh đại thần theo phò Tấn Văn Công bôn ba đồng cam chịu khổ trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Nhưng do sau khi Tấn Văn Công cầm quyền, Giới Chi Thôi ngứa mắt vì các bầy tôi tranh quyền đoạt lợi, “tham lam sức trời, cho là công mình” bèn không từ biệt mà bỏ đi, vào núi sâu làm ẩn sĩ.

Giới Tử Thôi âm thầm làm nghề khâu giầy nuôi mẹ. Tin ấy đến tai Tấn Văn Công, nhà vua giật mình cho người mời Giới Tử Thôi vào triều, nhưng không ai biết chàng đi đâu. Vua cho người đi tìm thì được biết, có một chàng cõng mẹ vào khu rừng nọ. Vua mừng rỡ vội đi xe ngựa đến nơi tìm kiếm bốn năm ngày vẫn không thấy mẹ con ông. Vua nghĩa: “Đốt rừng, mẹ con chàng ắt phải chạy ra”. Rừng cháy, vẫn không thấy gì. Lửa tắt, quân lính vào rừng đã cháy rụi, thì thấy một đống xương người… Ngày đốt rừng, Giới Tử Thôi chết nhằm ngày mồng 3 tháng Ba, tức là còn trong tiết Thanh minh.

Qua sự kiện trên, Tấn Văn Công truyền rằng “vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3.3 đến mồng 5.3 âm lịch hàng năm). Đời sau, để tưởng nhớ người hiền sĩ Tử Thôi, người ta kiêng cữ không nhóm bếp lửa trong ngày ấy, chỉ ăn món ăn nguội, gọi là “Hàn thực”. Ngày tết Hàn thực (mùng 3.3) hằng năm ở Trung Quốc bắt nguồn từ câu chuyện đó.

Tết bánh trôi, bánh chay trong phong tục Việt

Tại Việt Nam, Thanh minh thuộc 24 tiết khí của nông lịch Việt, được nhân dân coi trọng và gắn với quan niệm dân gian của nghề trồng lúa nước. Nếu như tiết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, là ngày tảo mộ bày tỏ tri ân đức cù lao tiên tổ, nhắc các thế hệ con cháu biết gốc rễ, cội nguồn tại dòng họ, quê hương. Thì Tết bánh trôi, bánh chay lại là một ngày Lễ trọng ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, mang ý nghĩa linh thiêng, cầu mong mùa màng bội thu cho nghề trồng lúa nước với sản vật dâng lễ bánh trôi, bánh chay.

img

(Bánh trôi, bánh chay. Nguồn ảnh: Internet)

Từ thời phong kiến triều Lý, nhân dân ta đã tiếp nhận Tết Hàn thực theo tiết nông lịch, nhưng mang đậm truyền thống của một quốc gia nông nghiệp, giỏi nghề trồng lúa nước, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân. Vào ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những món ăn nguội. Vì vậy người Việt gọi ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch là tết bánh trôi - bánh chay.

img

(Bánh trôi, bánh chay. Nguồn Khám phá)

Ngày Tết bánh trôi, bánh chay, các gia đình quây quần bên nhau cùng làm bánh, sắp mâm lễ trên ban thờ để dâng kính tổ tiên. Sau khi thắp nhang, cầu khấn tri âm và vái tạ rồi mới được phép hạ lễ. Ngày Tết bánh trôi bánh chay cũng là dịp các gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ, thưởng thức hương vị ngọt, mát của  bánh trôi, bánh chay.

XEM THÊM >> Bánh trôi, bánh chay "3 miền" trong mâm cỗ Tết Hàn thực

Theo lịch năm 2016, Thanh minh là ngày 4.4 (tứ ngày 27.2 năm Bính Thân); Tết bánh trôi, bánh chay - ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch là ngày 9.4 dương lịch. Dân gian quan niệm, năm nào Thanh minh vào đúng ngày mùng 3 tháng Ba mới được coi là Thanh minh đích thực. Bởi Thanh minh - tảo mộ - Tết bánh trôi, bánh chay vào cùng một dịp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem