Bước vào mùa đông, những cơn mưa đã dứt, ruộng lúa cũng bắt đầu trổ bông, ngâm sữa rồi chín vàng. Đó đây, người dân bắt đầu vào vụ gặt, đập.
Ngày xưa, ở miền Tây Nam bộ, nông dân làm lúa mùa, mỗi năm một vụ, tháng mười một, tháng chạp là đã có lúa chín đem về sân. Trâu đạp, người đập để ra lúa hột. Lúa đóng cho chủ điền xong, còn lại thì ví bồ để ăn cho đến vụ mùa mới. Nhìn cây rơm cao hay thấp, người nông dân có thể đoán biết chủ nhà đó năm ấy ruộng trúng hoặc thất mùa.
Rơm thơm mùa gặt mới được người dân quê tận dụng chất thành cây ở ngay phía sau hè, ngoài sân vườn, bên gốc cây. Nhà nào có nuôi trâu, bò thì đây coi như là nguồn thức ăn dự trữ cho chúng trong những ngày nắng hạn khan hiếm cỏ tươi. Rơm cũng có thể là chất đốt quan trọng để các bà, các mẹ chụm những nồi cơm gạo mới.
Cây rơm sau nhà (ảnh: H.K)
Và cũng từ cây rơm thơm mùa gặt mới ấy, chiều chiều đám trẻ con trong xóm tụ tập lại để đùa giỡn. Những em trai bạo dạn thì nhảy từ trên cao xuống trong sự tán thưởng của bạn bè. Những em khác thì sình bao, bắt bồ rồi vẽ ranh, làm mức để u hấp hay trốn tìm. Có em trốn mệt rồi ngủ luôn cho đến khi có bạn kiếm gặp mới chịu thức dậy và … chơi tiếp.
Đùa giỡn dưới chân đống rơm (ảnh mang tính minh họa; nguồn: Internet)
Mấy đứa nhỏ hơn thì rượt đuổi rồi vật nhau ngã lăn dưới chân những đống rơm. Rơm thơm mùa gặt mới như hút hồn những đứa trẻ ngày xưa ấy. Bởi vậy, ngày này qua ngày khác hầu như không chiều nào dưới những cây rơm thơm mùa gặt mới vắng bóng trẻ con trong xóm.
Một không gian yên bình và tình quê chan chứa đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ trong xóm tôi. Để rồi những ai đã từng trải qua những ngày tháng cùng đùa giỡn bên nhau, trong một không gian đậm đặc hương vị đồng quê ấy sẽ in mãi kỷ niệm bên mình.
Tình yêu quê hương, tình cảm bạn bè, làng xóm, lòng nhân ái, vị tha góp phần hình thành nên nhân cách con người có lẽ bắt đầu từ những điều tưởng chừng như giản đơn ấy!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.