Chết người vì bệnh sụt sịt
Ngày 13/2/2019, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm mùa nhưng diễn biến nguy kịch. Tại khoa tiếp nhận 4 trường hợp, cả 4 ca đều phải thực hiện kỹ thuật cao nhất, tim phổi nhân tạo (ECMO) để hi vọng cứu bệnh nhân nhưng một trường hợp là sản phụ mang song thai 24 tuần đã không thể qua khỏi, một trường hợp khác diễn biến rất nặng.
Bệnh nhân nặng là ông L.Đ.C (64 tuổi, ở Sơn Tây Hà Nội) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai ngày 29.1 trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Theo lời kể của người nhà, trước đó 6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực, đi khám tại tuyến cơ sở được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện.
Một ca mắc cúm A/H1N1 biến chứng nguy hiểm tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất song tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất dè dặt.
Khoa Hồi sức tích cực đã lấy mẫu xét nghiệm cho hai bệnh nhân. Theo kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa trả lời, cả hai trường hợp đều dương tính với virus cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa).
Cúm A/H1N1 đã gây đại dịch ở Việt Nam như thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), virus gây cúm A/H1N1 được phát hiện vào năm 2009. Loại cúm này còn được gọi là “cúm lợn” vì có nguồn gốc lây truyền từ lợn. Khi đó, cúm A/H1N1 đã xảy ra tại 90 nước, trong đó có Việt Nam với hàng trăm nghìn người mắc.
Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26.5.2009 và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009. Tính đến hết tháng 9.2009, Việt Nam đã có hơn 10.000 mắc cúm A/H1N1 và 22 người tử vong. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp dập dịch cấp tập, Việt Nam đã đẩy lùi dịch vào đầu năm 2010.
Đến nay, cúm A/H1N1 đã được coi là cúm mùa thông thường, xếp ngang với các chủng cúm khác như cúm A/H3N2, cúm B. Ổ dịch cúm A/H1N1 lớn gần đây nhất vào năm 2013, tại Lào Cai tại trường THPT nội trú tỉnh, khiến 46 học sinh mắc. Gần đó cũng có 1 gia đình 5 người đều bị cúm. Tuy nhiên không có trường hợp tử vong.
Tháng 6/2-18, một ổ dịch cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ (Tp Hồ Chí Minh), khiến gần 30 người mắc, trong đó có nhiều nhân viên y tế. Ngay sau khi phát hiện, ngành y tế đã cách ly các bệnh nhân và khống chế ổ dịch.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây, hằng năm đều ghi nhận từ 1-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu là do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. Mỗi năm, tỷ lệ mắc các loại cúm có sự “luân phiên” nhau, năm nay cúm A/H1N1 nổi trội thì có thể sang năm cúm B sẽ “lên ngôi”.
Đầu năm 2019 đã xuất hiện khá nhiều ca bị mắc cúm A/H1N1, trong đó có một số ca biến chứng nguy hiểm.
Cúm A/H1N1 có thể gây viêm phổi cấp, diễn tiến suy hô hấp nhanh (Một ca cúm A/H1n1 tại Bệnh viện Bạch Mai)
Cúm A/H1N1 gây nguy hiểm thế nào?
Tổ chức Y tế thế giới WHO thống kê, mỗi năm có 5-10% người trưởng thành và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó khoảng 3-5 triệu có tiến triển bệnh rất nặng và khoảng 250.000-500.000 người tử vong vì “sụt sịt, mệt mỏi”.
Bấc sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, không chỉ cúm A/H1N1 mà các loại cúm thường khác như cúm A/H3N2, cúm B đều có thể gây tử vong nếu người bệnh chủ quan, nhập viện muộn. Bác sĩ Cấp phân tích, tuy cúm mùa thường có diễn biến nhẹ, chỉ khỏi sau 5 ngày đến 1 tuần nhưng không ít trường hợp bệnh nặng.
Đó là do virus cúm làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Một số khác virus lại tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan toả rộng, diễn tiến suy hô hấp rât nhanh. Lại có trường hợp bị virus cúm tấn công gây viêm cơ tim gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hàng năm, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đều tiếp nhận các ca cúm A/H1N1 hoặc cúm B trong tình trạng suy hô hấp, X.quang cho thấy phổi trắng xoá, phải điều trị thở máy, thậm chí tử vong. Người nhà các bệnh nhân này thường cho biết, bệnh nhân chỉ sụt sịt, sốt nhẹ, mệt mỏi nên chỉ nghĩ cảm cúm thông thường, không đi viện. Đến khi khó thở, sốt cao, hôn mê mới đưa đi cấp cứu.
“Cúm có thể gây biến chứng nặng đối với những người có bệnh mãn tính về hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, phổi, thận, thiếu máu, người suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai” – bác sĩ Cấp nói.
Ông Phu cho biết, tuy tỷ lệ tử vong của cúm A/H1N1 không cao so với cúm A/H5N1, H7N9 nhưng khi các virus cúm B và cúm A/H3N2 chỉ tấn công vào hệ hô hấp phía trên thì cúm A/H1N1 lại có khả năng tấn công sâu vào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Một ca cúm A/H1N1 có diễn tiến nặng khiến phổi trắng xóa (Ảnh tại Bệnh viện Bạch Mai)
Cúm A/H1N1 lây lan như thế nào?
Theo ông Phu, cúm A/H1N1 rất dễ lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...
Ngoài ra, virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Chỉ cần mọi người cầm nắm vào các dụng cụ này, dính virus, sau đó đưa lên mũi, miệng là có thể lây bệnh.
Không chỉ vậy, ông Phu cũng cho biết, virus cúm A/H1N1 đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virus.
Đối tượng nào thường bị cúm nặng?
Theo TS Phu, các đối tượng có nguy cơ bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nặng khi cúm A/H1N1 nói riêng và cúm nói chung gồm:
-Trẻ em dưới năm tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
-Người trên 65 tuổi
-Phụ nữ có thai
-Người lớn mắc các bệnh mãn tính (bệnh phổi mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường…).
-Người suy giảm miễn dịch (người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
Các dấu hiệu của bệnh cúm A/H1N1
Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A/ H1N1:
-Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
-Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
-Bệnh cúm A/ H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.
Sai lầm khi điều trị cúm
-Đến cơ sở y tế chậm: Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) đã từng cấp cứu cho nhiều bệnh nhân cúm A/H1N1 bị biến chứng nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, phải lọc máu bằng kỹ thuật ECMO, rất tốn kém. Nguyên nhân do bệnh nhân đến viện muộn.
Cách phòng ngừa cúm tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin ngừa cúm.
-Tự ý dùng thuốc chống cúm Taminflu: Thuốc Tamiflu phải dùng đúng chỉ định, chỉ dùng Tamiflu trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt như: Bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng như trên nền có bệnh lý nền là tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch…
Nếu mắc cúm B mà uống thuốc tamiflu là không đúng chỉ định, thậm chí nếu tự dùng tràn lan có nguy cơ gây kháng thuốc cao, dễ làm mất tác dụng của thuốc, rất khó điều trị khi cần phải sử dụng sau này.
-Tự ý dùng thuốc kháng sinh: Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, sai lầm của nhiều bệnh nhân bị cúm là thấy có dấu hiệu sốt, sổ mũi, ho nhẹ vì nghĩ rằng mình bị viêm đường hô hấp nên tự dùng kháng sinh. Trong khi đó kháng sinh “vô dụng” với virus cúm, thậm chí còn khiến người bệnh chủ quan “đã uống thuốc” mà không đi viện.
Còn đối với virus cúm hiện nay có các thuốc kháng virus để “khoanh vùng” hạn chế khả năng phát triển của virus chứ cũng không có tác dụng diệt virus. Sau đó, người bệnh sẽ giảm các triệu chứng cúm và nhanh khỏi bệnh.
Tuy nhiên, thuốc kháng virus chỉ có tác dụng với các trường hợp có các triệu chứng cúm sau 2-3 ngày. Đối với các trường hợp bị viêm phổi nặng, gây thương tổn các tổ chức trong cơ thể thì thuốc kháng virus bị “vô hiệu”.
Đề phòng cúm A/H1N1 như thế nào?
Bộ Y tế khuyến cáo, để đề phòng cúm A/H1N1 nói riêng và các bệnh cúm nói chung, người dân cần :
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
-Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
- Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
- Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
- Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
-Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
-Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
-Đề phòng cúm một cách hữu hiệu nhất là đi tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm 1 lần để ngừa 95-97% nguy cơ mắc cúm, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ mắc cúm và dễ biến chứng nặng như phụ nữ mang thai, người bị các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch…
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại các virus cúm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.