Theo Cục An toàn thực phẩm, ngày nay các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng nếu uống quá nhiều rượu sẽ tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người từ hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ nội tiết, hệ tiêu hoá. Việc làm dụng rượu và tác hại của nó như thế nào? Bài nói chuyện hôm nay sẽ giúp quý vị và các bạn sáng tỏ điều này.
Rượu là đồ uống gồm nước và cồn (trong đó cồn chiếm từ 1% đến 50% tính theo thể tích, vì vậy được gọi là rượu từ 1o đến 50o), ngoài các thành phần chính trên rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt của mỗi nhà sản xuất nhằm tạo nên mỗi loại rượu một màu sắc, một hương vị đặc thù riêng. Như vậy thành phần chính gây ra hậu quả tai hại của rượu là cồn Ethylic.
Một ca ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)
Mức độ hấp thu rượu vào cơ thể tuỳ thuộc vào từng loại rượu, nồng độ rượu, lượng thức ăn trong dạ dày, thể trạng người uống...Tác hại của rượu tuỳ theo nồng độ rượu trong máu:
- 1-100 mg/dl: thoải mái, êm dịu
- 100-150mg/dl: mất phối hợp động tác và dễ bị kích thích
- 150-200mg/dl: nói không rõ và thất điều
- >250 mg/dl: ngất hoặc hôn mê
Rượu gây nhiều tác hại trên gan. Gan sử dụng hydrogen từ rượu chứ không do tế bào mỡ cung cấp nên gây tích luỹ mỡ làm gan nhiễm mỡ. Nếu người uống rượu với số lượng quá nhiều thì gan không kịp sản xuất đủ số lượng men để chuyển hoá giải độc rượu nữa. Khi đó rượu sẽ bị ứ đọng lại và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng.
Về mặt cơ thể gây viêm loét dạ dày, tiêu chảy, gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm tuỵ, đái tháo đường, bệnh tim mạch, giảm tiểu cầu
Hệ thần kinh trung ương: Viêm nhiều dây thần kinh, tổn thương tiểu não, thất điều, loạn vận ngôn.
Uống càng nhiều rượu tăng nguy cơ ung thư miệng, lưỡi, yết hầu, thực quản, gan tuỵ. Rượu ức chế tổng hợp testosterone gây nữ hoá, giảm tình dục ở nam giới.
Về mặt gia đình và cộng đồng, nếu uống quá nhiều rượu sẽ không làm chủ được hành vi gây nên bạo hành trong gia đình, làm cho nhiều người bị lo âu trầm cảm theo. Năng suất lao động thấp, thời gian lao động giảm, bị mất việc, thiệt hại về kinh tế. Sau khi uống rượu điều khiển xe dễ gây tai nạn giao thông, gây mất trật tự công cộng.
Trước đó, ông Nguyễn Hùng Long – Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm -Bộ Y tế cho biết, tình hình ngộ độc rượu có xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến năm 2016, từ gần 40 vụ năm 2013 xuống hơn 10 vụ năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2017 lại gia tăng đột biến với 10 vụ ngộ độc, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết).
“Qua các vụ ngộ độc rượu cấp thì đều nhận thấy “cái gọi là rượu” ấy được bán tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, tại các hàng cơm bụi, do người bán rong bán. Xét nghiệm cho thấy, các dung dịch mà người dân đã uống được gọi là “rượu” nhưng thực chất là cồn công nghiệp pha nước lã. Có mẫu xét nghiệm “rượu” gây ngộ độc cho kết quả 560.000mg methanol/lít rượu. Tức là 1 lít “rượu” có hơn 50% là methanol. Với hàm lượng như vậy, người dân chỉ uống 1-2 chén là có thể tử vong” – ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân không lạm dụng rượu bia để tránh mắc các bệnh mãn tính nguy hiểm như: ung thư, viêm loét dạ dày, viêm tụy cấp… Những bệnh mà vì nó cứ đầu xuân mới lại có hàng loạt người nhập viện.
Ông Long khuyến cáo, người dân không uống quá nhiều rượu, nếu lỡ nghiện rượu phải cai rượu. Trong trường hợp vì một lý do nào đó bắt buộc phải uống rượu thì chỉ được uống ít rượu (01 ly bia hoặc 01 chén nhỏ rượu) và trong khi uống nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm, hạn chế uống nước để giảm hấp thu rượu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, rượu là nguyên nhân của 1% vụ đánh nhau, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia như gan, dạ dày, tim mạch. Số liệu của Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân tâm thần và đang có xu hướng gia tăng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.