Nghẹn ngào niềm tự hào của gia đình có người hiến tạng sau khi mất

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 19/10/2018 12:25 PM (GMT+7)
“Mất mát vẫn còn tê dại trong trái tim chúng tôi nhưng chúng tôi không còn day dứt, băn khoăn gì khi biết đâu đó đang có người sống tốt hơn nhờ một phần cơ thể con tôi để lại” – ông Lê Xuân Cự, cha của thiếu tá Lê Hải Ninh, người hiến tạng cứu sống 4 người và mang lại ánh sáng cho 2 người khác chia sẻ.
Bình luận 0

Trong chương trình “Chung tay vì sự sống” Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia kết hợp với Hội ghép tạng Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình chiều 18.10, nhiều người đã rưng rưng nước mắt khi nghe câu chuyện về các gia đình có người hiến tạng sau khi chết não.

Ông Cự cho biết, ông vô cùng tự hào vì con trai của mình: “Con tôi là một quân nhân, đã cống hiến sức lực, tấm lòng cho Tổ Quốc, dù có nuối tiếc là sự cống hiến chưa trọn vẹn nhưng sau khi mất đi, con lại tiếp tục cống hiến cho cuộc đời này. Nỗi đau đớn của tôi và gia đình cũng khuây khỏa phần nào khi biết ở nơi nào đó trên cuộc đời này một phần cơ thể của con vẫn đang tiếp tục có ích, giúp một người nào đó khỏe mạnh”.

Vào tháng 2.2018, thiếu tá Lê Hải Ninh 45 tuổi, quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1) đã bị tai nạn và được chẩn đoán chết não. Gia đình đã gạt đau thương và đồng ý hiến tạng của thiếu tá để cứu 6  bệnh nhân khác.

img

Chia sẻ của những gia đình có người hiến tạng sau khi mất (từ trái sang phải), gia thiếu tá Lê Hải Ninh, gia đình bé Vân Nhi, gia đình anh Nguyễn Ngọc Khiêm

Bà Đinh Thị Thông, mẹ của anh Nguyễn Ngọc Khiêm (sinh năm 1989; trú tại xóm 9, thôn Hà Lý, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chia sẻ chân chất: “Khi con tôi bị tai nạn nằm ở bệnh viện, tôi còn phải ở nhà chăm đứa con lớn thiểu năng trí tuệ và 2 cháu nhỏ, con của Khiêm. Đến khi con dâu gọi điện về, thông báo con tôi đã chết não và hỏi ý kiến tôi muốn hiến tạng của chồng thì tôi thực sự đau đớn đến tê dại. Nhưng không hiểu sau trí não tôi bỗng thông suốt đột xuất, tôi đã đồng ý hiến tạng của con rất nhanh chóng. Có lẽ, bởi vì con tôi đã luôn sống thật nhân hậu, tốt bụng nên khi con mất đi, tôi vẫn muốn con tiếp tục làm được tâm nguyện của nó”.

Bà Thông cũng chia sẻ thêm, bà thờ Thánh, thờ Phật mà thánh phật luôn dậy mình làm điều thiện, bây giờ mình có thể làm điều thiện bằng cách giúp người bệnh đang cần tạng của con mình để được sống thì đấy là việc nên làm và chắc thánh thần cũng sẽ ủng hộ thôi vì thế tôi đã quyết định hiến tạng của con mình”.

img

"Lần đầu tiên cậu đi máy bay" - lời chia sẻ xót xa của cháu anh Nguyễn Ngọc Khiêm khi trái tim của anh được mang vào Huế để cứu sống một thanh niên 15 tuổi 

Vào tháng 5.2018, sau khi bị tai nạn chết não và được gia đình đồng ý hiến tạng, trái tim của anh Khiêm đã cứu sống được một thanh niên 15 tuổi.  

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia rưng rưng kể lại: “Trái tim anh Khiêm đã có chuyến hành trình xuyên Việt vào với Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho bệnh nhân. Và hình ảnh chiếc hộp đựng trái tim anh Khiêm trên máy bay đã được các phương tiện truyền thông đăng tải. Chúng tôi đã đọc được một comment xót xa của người cháu của Khiêm: “Lần đầu tiên cậu được đi máy bay”, khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Những người hiến tạng đã có một cuộc đời hết sức giản dị và khi mất đi họ đã làm được một điều hết sức vĩ đại, tiếp tục nối dài sự sống, đem lại hạnh phúc, hy vọng cho nhiều người”.

img

Chị Hằng - vợ anh Khiêm và con gái

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - vợ anh Khiêm năm nay mới 27 tuổi, đang là công nhân ở Thái Bình. Hằng chia sẻ: “Khi các bác sĩ nói chồng em đã chết não và được các anh chị ở Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia giải thích, em thấy rất hợp lý và khoa học. Ngay lúc đó em đã gọi điện về cho mẹ chồng em đang trông con ở quê và nói mẹ lên Hà Nội ngay có việc gấp. Mẹ em lập tức lên Hà Nội khi nghe em nói lại sự việc, em và mẹ em đã quyết định ký ngay vào lá đơn và hiến tạng của chồng cho y học. Đó là một quyết định rất nhanh và bây giờ cả hai mẹ con đều cảm thấy thanh thản.

Điều chua xót nhất của Hằng là khi người làng biết được việc chị đã đồng ý hiến tạng của chồng cứu sống người khác, nhiều người lại bàn tán rằng chị và mẹ đã “bán tạng” của Khiêm để lấy tiền nuôi con. Điều này khiến Hằng và mẹ Thông vô cùng đau xót, tủi thân. Dù sau này câu chuyện đã được các bác sĩ, báo chí giải thích giúp người dân hiểu nhưng cũng khiến chị Hằng và mẹ đau mãi. 

img

Hàng trăm người dân Ninh Bình đã đến đăng ký hiến tạng vào ngày 18.10

Những người cha, người mẹ, người vợ đã từng gạt đau thương để đồng ý hiến tạng của con mình, chồng mình đều đã làm được một điều vĩ đại. Ở giờ phút đau thương đó, họ không nghĩ được nhiều, chỉ làm theo điều trái tim mách bảo.

Dù tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng nếu chẳng may xảy ra, mình và người thân vẫn có thể nối dài sự sống. Và thật diệu kỳ nếu chúng ta mất đi mà trái tim vẫn còn đập, đôi mắt vẫn sáng và lá phổi tiếp tục căng tràn nhựa sống...

GS - TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cho biết năm 2017 có số lượng ghép tạng nhiều nhất với 673 ca. Đến nay đã có 82 người chết hiến tạng, trung bình mỗi năm có 10 người. Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì 1 triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. Trong khi đó, tại Úc là 20,7 lần (gấp 200 lần) và ở Mỹ là 31,6 lần (gấp gần 300 lần).

“Mỗi năm chúng ta có hàng nghìn người chết não vì tai nạn nhưng không được hiến tạng. Chúng ta cũng có hàng chục nghìn người khác đang sống mòn, chờ chết, hàng trăm nghìn người sống trong bóng tối vì không nhận được tạng, được giác mạc để ghép. Vì vậy, tôi hy vọng, ngày càng có nhiều người đăng ký hiến tạng để lan tỏa nghĩa cử này trong cộng đồng” - GS Khánh chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem