Bệnh nhân nam (26 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba khám vì đau góc hàm bên phải. Lâu nay, bệnh nhân vẫn nghì mình mọc răng khôn. Tuy nhiên, sau khi khám khoang miệng, bác sĩ không nhận thấy có gì bất thường nên đã chỉ định đi chụp X.quang. Kết quả chiếu chụp cho thấy có khối nang lạ, kích thước rất lớn, trải dài phía bên trong hàm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba (Hà Nội) cho biết, đây là hiện tượng nang sừng hóa (còn gọi là bệnh nang răng sinh sừng). Các bác sĩ đã làm phẫu thuật cho bệnh nhân để lấy "sừng" ra. Ngày 4/6 vừa qua bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối nang có kích thước hơn 5 cm.
Trước đó, một nữ bệnh nhân 22 tuổi cũng bị nang sừng hoá ở 4 góc hàm đã phải đến viện điều trị.
Theo bác sĩ Thái, nang sừng hóa là bệnh lý cũng gặp nhiều ở người trưởng thành nhưng dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác về răng miệng, nhất là lầm tưởng về tình trạng mọc răng khôn. Nhiều trường hợp chủ quan đến viện muộn, khi đó nang đã phát triển rộng, khiến cho răng, xương bị phá hủy, gây biến dạng khuôn mặt.
"Có đôi khi những cục u nang hình thành từ sớm, rất khó phát hiện, chỉ khi khối nang phát triển to, dài, chèn ép gây đau thì các bệnh nhân mới chú ý. Những bệnh nhân thường đến viện muộn. Chỉ một số trường hợp do tình cờ người bệnh đi kiểm tra, chụp phim X quang về răng mới phát hiện ra bệnh sớm" - bác sĩ Thái cho biết.
Hình ảnh khối nang sừng (khoang đỏ) nằm dưới hàm răng
Tuy nhiên, việc điều trị bệnh lý này trước đây khá khó khăn. Với bệnh lý này bệnh nhân thường sẽ phải phẫu thuật nhiều lần, bệnh tái đi tái lại sau mỗi lần phẫu thuật nạo các tổ chức u vì việc can thiệp chỉ có thể lấy được chân chứ không thể tiêu diệt mầm bệnh tận gốc. Điều này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy nản, thậm chí bỏ điều trị.
Tuy nhiên, những năm gần đây một số nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada đã ứng dụng một loại thuốc có tác dụng tiêu diệt tận gốc nang sừng hoá. Để điều trị cho bệnh nhân này bác sĩ sẽ phẫu thuật vét nang răng sau đó đặt thuốc đặc trị để phá toàn bộ xương nang răng.
Hiện tại, Bệnh viện Việt Nam – Cuba là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng phương thức điều trị này cho bệnh nhân bị nang sừng hoá. "5 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này tại bệnh viện đều đã ổn định, hoàn toàn không tái phát tình trạng nang sừng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là loại thuốc điều trị rất khó mua vì nhu cầu sử dụng không nhiều, ít công ty dược nào mua về" - bác sĩ Thái nói.
Bác sĩ Thái khuyến cáo, mọi người nên đi khám răng miệng thường xuyên để biết được tình trạng răng miệng của mình ra sao, để kịp thời phát hiện khác khối u, nang bất thường.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cuba chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1969-2019). Theo ông Nguyễn Đình Phúc - Giám đốc Bệnh viện, trải qua 50 năm phát triển, hiện nay bv có 19 khoa phòng, bệnh viện là đầu ngành của TP Hà Nội về chuyên khoa răng hàm mặt và tai mũi họng. Với trang thiết bị hiện đại bệnh viện đã thực hiện nhiều các kỹ thuật cao như: phẫu thuật cấy ghép implant, phẫu thuật chỉnh hình xương hàm trong các trường hợp vẩu, móm, phẫu thuật tái tạo xương hàm bằng vạt xương mác có mạch nuôi và cấy ghép implant trên vạt xương mác một thì, phẫu thuật toàn diện ung thư vùng đầu cổ.
Hiện tại Bệnh viện cũng phát triển với kỹ thuật phẫu thuật nội soi vùng hàm mặt.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.