Sự kỳ thị “giới tính” này đã phá hỏng cuộc sống của không ít bạn trẻ...
Bị cô giáo “khủng bố”
Nỗi đau của Thanh là một trong nhiều câu chuyện được chia sẻ trong buổi tọa đàm về bạo lực học đường đối với người đồng tính vừa được tổ chức tại Hà Nội. Từ xưa đến nay, em thường xuyên bị bạn bè chế giễu, miệt thị về hình dáng ẻo lả và giọng nói hơi “chua” của mình.
|
Cảnh trong vở kịch “Hãy là chính mình” bày tỏ khát vọng hạnh phúc và yêu thương của những người đồng tính. |
Các bạn đặt cho em đủ các biệt danh: Thanh gái, Thanh Pê-đê và cười ré lên mỗi khi Thanh lên bảng. Bất cứ bạn nào trò chuyện, chơi với Thanh đều bị cảnh báo: “Cẩn thận kẻo lây” hoặc “Bị nó yêu là chết”. Về nhà, em cũng thường xuyên bị bố rầy la vì “nhìn cái dáng đã thấy ghét”.
Cô đơn, bị hắt hủi, em chỉ có thể trút nỗi lòng vào nhật ký, làm bạn với nhật ký. Nhưng rồi một ngày, bạn bè lục cặp em, ăn cắp nhật ký rồi nộp cho cô chủ nhiệm. Điều khiến em sốc nhất chính là việc cô giáo đã đọc nhật ký của em giữa lớp, kèm theo những lời bình phẩm: “Tôi không ngờ lớp tôi lại có kẻ đồi bại, bệnh hoạn như vậy. Đọc nhật ký của anh mà tôi thấy ghê tởm, sởn gai ốc”.
Lại có em sau bị mẹ đọc được lá thư bày tỏ tình cảm với bạn cùng giới, rồi người mẹ đã đưa cho cô giáo chủ nhiệm nhờ “dạy dỗ, uốn nắn”. Và cô giáo đã đọc lá thư của em trước toàn trường...
Những vụ việc như vậy đã như những mũi dùi nóng bỏng dí vào, hằn sâu trong tâm hồn các em, có thể thay đổi một cuộc đời. Thanh bỏ học. Bạn khác tự tử. Bạn khác nữa đã bỏ nhà đi và để khẳng định mình “nam tính”, em đã sa vào nghiện hút...
Theo Lương Thế Huy – một thành viên Nhóm Chia sẻ và kết nối cộng đồng người đồng tính (ICS): “Quan niệm “dị tính là chuẩn mực” khiến cho nhiều người đánh mất đi sự khách quan trong việc suy xét các vấn đề. Chính vì thế, một hành động có thể chấp nhận được ở người dị tính lại thành vấn đề của người đồng tính, thậm chí bị bài xích, giễu cợt, kỳ thị”.
Thầy cô cũng kỳ thị
Nghiên cứu trực tuyến về kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với giới LGBT (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới) trong trường học đối với 521 trường hợp LGBT của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) cho thấy: 40,7% từng bị bạo lực và kỳ thị. Hình thức mà họ gặp phải nhiều nhất là bị gọi một cách xúc phạm (81%), châm chọc, mỉa mai (66%).
Thậm chí gần 20% từng bị đánh, đá, cấu véo, hơn 18% bị sờ nắn bộ phận sinh dục khi không mong muốn. 15% các bạn cho biết ngày nào cũng bị đánh chửi, miệt thị ngay tại lớp, trên sân trường.
Anh Huỳnh Minh Thảo – Trưởng nhóm ICS cho rằng: “Cần phải đưa chương trình giáo dục giới tính, bao gồm cả xu hướng tình dục đồng giới, chuyển giới vào chương trình giáo dục. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và công bằng với mọi trẻ em”.
74% người gây bạo lực là các bạn nam, 33% là nữ, đáng chú ý có đến hơn 13% các thầy cô cũng tham gia vào “lực lượng khủng bố” này. 80% bạo lực với học sinh đồng tính diễn ra trên lớp, nhưng 44% các em cho biết có báo nhưng thầy cô không làm gì, 16% thầy cô còn quay lại khiển trách chính nạn nhân về “lối sống”.
Hậu quả của việc bị tra tấn, khủng bố tinh thần và thể xác này là 55% các em luôn cảm thấy căng thẳng, lo sợ, 50% chán ghét bản thân, 41% thay đổi tính cách… Nặng nề hơn, đã có 35% các em được hỏi cho biết có ý định tự tử và hơn 1/2 trong số các em đã thực hiện hành vi tự tử không thành, 14% tự làm đau bản thân (tự đánh, tự cắt làm mình chảy máu), 10% các em uống rượu, vài người sử dụng ma túy, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình…
“Khi bị chế giễu, dè bỉu, đánh mắng, xa lánh của bạn bè, thậm chí cả người thân trong gia đình, các em thường có xu hướng chán ghét bản thân hoặc thể hiện phản ứng một cách tiêu cực bằng các hành vi nguy cơ. Trong khi đó, những người gây bạo lực lại không thể hiểu rằng, đôi khi, chỉ bằng lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu sự tôn trọng và yêu thương, mình đã khiến một người phải bỏ mạng hoặc đánh mất tương lai” – bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc CCIHP cho biết.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.