Năm 1958, công việc của Erin Danson, thủ lĩnh phi đội Không quân Hoàng gia Anh (RAF), là thử nghiệm mức độ phóng xạ của chiến dịch Grapple Y - vụ thử bom nguyên tử lớn nhất của Anh - bằng cách bay vào giữa vụ nổ mang theo một thiết bị có tia X.
Khi đó, thanh niên 26 tuổi được truyền đạt rằng nhiệm vụ anh đang làm rất an toàn nhưng chỉ sau vài giờ hạ cánh, Danson bắt đầu nôn mửa dữ dội.
Nhiều tuần sau đó, những nốt phát ban đau đớn xuất hiện dày đặc trên ngực thanh niên 26 tuổi cùng với đau đầu và chứng trầm cảm.
Gần 20 năm sau, Danson tự sát để lại một vợ cùng 4 con thơ.
Thanh niên 26 tuổi chỉ là một trong 20.000 quân nhân Anh, những người bị xem như "chuột bạch" trong các thí nghiệm kiểm tra mức độ phóng xạ của bom nguyên tử trong Chiến tranh Lạnh.
Khi Anh chạy đua vũ trang để trở thành một siêu cường hạt nhân, vô số binh sĩ phải đối mặt với bệnh ung thư và hội chứng rối loạn máu sau khi bị ép bay, chèo thuyền và bò qua các địa điểm bị nhiễm xạ mà không có dụng cụ bảo vệ phù hợp.
Nhưng sự hy sinh và dũng cảm của họ chưa từng được thừa nhận. Và những tổn thương của các binh sĩ này không chỉ ám ảnh họ mà còn ảnh hưởng tới thế hệ con cháu.
Khoảng 155.000 con cháu của các binh sĩ bị nhiễm phóng xạ phải chịu nhiều bệnh tật như khó thở, vô sinh, sảy thai nhiều lần và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng (về tim và cột sống).
Đám mây khổng lồ được tạo ra trong chiến dịch Grapple Y năm 1958
"Nhìn thấu xương vì da nhiễm xạ trong suốt"
Chiến dịch Grapple Y được tiến hành tại khu vực ngoài khơi bờ biển Úc vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20.
Bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn, các binh sĩ được cử đến để nhận các nhiệm vụ hạt nhân nguy hiểm mà không hề được thông báo về những rủi ro có thể gặp phải.
Lo lắng về việc mất vị thế quốc tế sau Thế chiến II, Anh bắt tay ngay vào nhiệm vụ chế tạo bom hạt nhân.
Dự án với tên gọi "Nghiên cứu vụ nổ tầm cao" khởi đầu với nhiệm vụ thành công đầu tiên - chiến dịch Bão tố (1952) và dẫn tới một loạt 4 thử nghiệm đột phá trong chiến dịch Grapple (giai đoạn 1957-1958).
Các phi công như Danson nhận lệnh bay qua các đám mây phóng xạ hình nấm với một thiết bị có tia X để xác định mức độ phóng xạ trên không, trong khi một số khác phải di chuyển trên biển.
Phi công Eric Denson
"Đó là một sự phá hủy hoàn toàn", Vice dẫn lời David Hemsley, binh sĩ khi đó 18 tuổi chứng kiến vụ thử nghiệm đầu tiên.
Theo Hemsley, nếu ở quá gần vụ nổ, da của người đó sẽ gần như trong suốt.
"Nếu tôi nhìn vào người bị nhiễm xạ, tôi có thể thấy gần như toàn bộ xương cốt bên trong.
Sau khi quả bom được kích nổ, những gì tôi thấy là quả cầu lửa đang đẩy lên cao và sấm sét. Một số người không chịu nổi cảnh ấy đã gào khóc và gọi tên người thân", Hemsley nói.
Trong suốt vụ thử hạt nhân mang tên Castle Bravo hồi tháng 3/1954, các thủy thủ được nói rằng họ sẽ quan sát vụ nổ từ khoảng cách an toàn. Một số người thậm chí chỉ mặc quần ngắn và đi dép.
Tuy nhiên, sức công phá của vụ nổ lớn gấp đôi so với những gì các nhà khoa học kỳ vọng.
Những thủy thủ bất ngờ bị bỏ lại, đối mặt với tình cảnh như "tận thế" khi những đám mây phóng xạ màu cam bao trùm lấy họ và trước đó là cầu lửa lớn dưới nước.
Dù cả nhóm thoát chết sau thử thách nhưng những gì họ phải chịu đựng quá khắc nghiệt. Trong nhiều năm, họ chứng kiến bản thân và con cháu bị hành hạ bởi bệnh tật và chết trong đau đớn.
"Quần áo nhiễm xạ"
Ngoài trên không và dưới biển, một nhóm binh sĩ khác thực hiện chiến dịch dọn dẹp sau các vụ thử nghiệm trên mặt đất. Họ phải bò qua những vùng đất nhiễm xạ nặng để thu lượm những trang thiết bị quý giá.
Raymond Webber, 81 tuổi, nhớ lại tình trạng không an toàn ông từng đối mặt khi còn là một tài xế 21 tuổi đi vào khu vực diễn ra vụ nổ trên đảo Christmas, gần Indonesia.
"Tôi ngồi trong chiếc xe tải lớn và phải đóng chặt cửa vì hàng tấn bụi như muốn "nuốt chửng" chiếc xe và bên ngoài quá nóng. Khi rời khỏi đó, chúng tôi phải đi bên dưới một điểm loại bỏ phóng xạ di động để làm sạch phóng xạ. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải tắm đi tắm lại vì máy đo vẫn báo còn phóng xạ trên người.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mặc lại quân phục sau khi tắm và đó là một sai lầm chết người. Quần áo của chúng tôi cũng bị nhiễm xạ nặng", Webber chia sẻ với Mirror.
Con cháu gánh hậu quả
Tác hại của những vụ thử nghiệm bom hạt nhân không chỉ ảnh hưởng tới các binh sĩ mà còn liên đới tới đời con cháu họ
Khoảng 1.500 binh sĩ còn sống sót tới ngày hôm nay nhưng họ phải trả một cái giá quá đắt.
Một số người hôn nhân tan vỡ, số khác phải chứng kiến con cháu chịu sự hành hạ của bệnh tật.
Bob Fleming, một quân nhân của RAF, tham gia nhiệm vụ trong một vụ thử hạt nhân năm 1956. Giờ đây, người cựu binh 83 tuổi không vui nổi khi 16 trong số 21 con cháu của ông bị các vấn đề về sức khỏe.
Susanne Ward, con gái út của Bob - người bị chứng khó thở và rụng răng sớm, cho biết: "Mọi chuyện càng tồi tệ hơn với những thế hệ tiếp theo. Con cháu chúng tôi cũng gặp các vấn đề tương tự. Bố tôi thường tự đổ lỗi cho mình nhưng chúng tôi không bao giờ nghĩ vậy".
Derek Hickman, binh sĩ góp mặt trong chiến dịch Bão tố, cho biết cuộc hôn nhân của anh tan vỡ vì anh bị vô sinh do ảnh hưởng của phóng xạ.
"Vợ tôi luôn khao khát được làm mẹ nhưng tôi không thể cho cô ấy một đứa con. Vì vậy, tôi quyết định ly hôn. Cô ấy không bao giờ đổ lỗi cho tôi nhưng điều đó lại càng khiến tôi cảm thấy có lỗi. Nó luôn ám ảnh trong đầu tôi", Mirror dẫn lời Hickman.
Tại Mỹ, 45.000 người sống sót sau các vụ thử hạt nhân được đền bù với tổng số tiền lên tới 2,4 tỷ USD nhưng những binh sĩ Anh không được may mắn như vậy. Chính phủ Anh từ chối khoản bồi thường này.
Tuy nhiên, theo một chính sách mới được đảng Lao động công bố trong tuần này, mỗi quân nhân bị ảnh hưởng bởi phóng xạ sẽ được nhận khoản đền bù hơn 60.000 USD.
Vụ nổ sau đó có hình dạng của một quả cầu lửa khổng lồ rồi cuối cùng biến thành đám mây hình nấm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.