Biệt đội 684 gồm những chiến sĩ thiện chiến của Hàn Quốc được thành lập năm 1968, sau cuộc đột kích của lính Triều Tiên nhằm vào dinh tổng thống Hàn Quốc.
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng đội sát thủ của Seoul đã kết thúc trong thảm kịch. Bảy người mất mạng, do bị hành quyết hoặc chết vì kiệt sức trong quá trình huấn luyện khắc nghiệt ở một hòn đảo hẻo lánh. 24 người còn sống thì trở mặt và hạ sát chính những người huấn luyện họ.
Khu vực tập huấn của các thành viên Đội sát thủ 684 trên đảo Silmodo trong quá khứ. Ảnh: CNN.
Những thảm kịch diễn ra trên đảo Silmido từng được giấu kín, cho đến khi được Uỷ ban Sự thật của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công khai vào năm 2006. Nó cũng trở thành chủ đề của nhiều bộ phim bom tấn Hàn Quốc.
Câu chuyện nóng lại những tháng gần đây, khi một số ý kiến đề nghị chính quyền Seoul cần tái lập một biệt đội sát thủ như vậy nhằm đối phó với tham vọng hạt nhân của người anh em láng giềng. “Thông điệp chính là nếu Triều Tiên tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân thì Seoul sẽ săn lùng và xuống tay với giới lãnh đạo Bình Nhưỡng”, Giáo sư Park Hwee Rjak tại Đại học Kookmin nói với CNN.
Đào tạo sát thủ
Ban đầu Cơ quan Tình báo Hàn Quốc muốn chiêu mộ những tử tù đã bị kết án và sắp đến ngày hành hình. Tuy nhiên, tài liệu giải mật năm 2006 của Bộ Quốc phòng cho biết kế hoạch đã được thay đổi, “họ tuyển dụng các thường dân và trao nhiệm vụ ám sát ở khu dinh thự của nhà lãnh đạo Triều Tiên”.
Ông Yang Dong Soo, cựu huấn luyện viên của biệt đội 684, nói các sát thủ được lựa chọn “chủ yếu do yếu tố thể chất và ngoại hình”. “Nhân viên tình báo tiếp cận những người có vẻ thường chơi thể thao, vóc dáng chắc đậm, để chiêu mộ họ”, ông nói.
Ông Yang chụp bên tấm biển đầu lâu tại điểm huấn luyện trên đảo Silmodo. Ảnh: CNN.
Khi đó ông Yang mới 21 tuổi, tình nguyện tham gia không quân và được triển khai tới đảo Silmido vào năm 1970. Ngày nay hòn đảo đã bị phong toả.
Một tấm ảnh mờ cũ được chụp vào năm 1970 cho thấy ông Yang mặc thường phục, đứng trước một căn lều, bên cạnh một tấm bảng được gắn hình đầu lâu và xương người tạo hình chữ thập. “Đó là xương người thật đấy”, ông nói.
Nhiệm vụ của Yang là dạy những tân binh kỹ thuật chiến đấu tay đôi. “Tôi cũng dạy họ những kỹ năng cần thiết để sinh tồn. Bài học quan trọng nhất chính là ‘ta sống, người chết’”, ông kể.
Việc liên lạc với thế giới bên ngoài hoàn toàn bị phong toả trên đảo Silmodo. Còn cái bài tập huấn thì vô cùng khắc nghiệt và không ngừng nghỉ. “Một người đã chết do quá mệt giữa lúc tập luyện sống sót trên biển”, ông Yang cho biết.
Tài liệu của Bộ Quốc phòng cho biết, bảy trong số 31 người lính thiệt mạng giai đoạn 1968-1971. Hai người bị xử tử do đào ngũ, một người bị tử hình do đe doạ sĩ quan huấn luyện. Ba người khác bị giết do họ trốn thoát khỏi đảo và hãm hiếp một phụ nữ địa phương.
Một nội dung tập huấn của binh sĩ trên đảo Silmodo. Ảnh: CNN.
Phản kháng đẫm máu
Dù trải qua 3 năm huấn luyện, các thành viên đội 684 chưa từng được phái đến Triều Tiên. Những lời hứa cơ bản khi chiêu mộ họ đều không thành sự thật.
Tài liệu cho biết, sau 3 tháng đầu trên đảo Silmodo, các chỉ huy ngưng trả lương cho những tân binh, chế độ ăn uống cũng giảm chất lượng đáng kể.
Sau một thời gian dài nhẫn nhịn, vào sáng ngày 23.8.1971, những sát thủ này quyết định quay lưng và tấn công ngược lại với chính những chỉ huy của họ.
Ông Yang nhớ lại sự việc sáng hôm đó, khi ông chuẩn bị rời đảo vào đất liền để nhận hàng hoá tiếp tế hàng tháng thì nghe thấy tiếng súng. “Ban đầu tôi ngỡ là đặc nhiệm Triều Tiên tấn công hòn đảo, nhưng rồi tôi thấy một binh sĩ bắn về phía mình”.
“Khi tôi tỉnh dậy, vết thương ở cổ vẫn đang chảy máu. Tôi nhìn thấy những người huấn luyện đang nằm gục bất động, một số người tiếp tục bị bắn do những tân binh này muốn khẳng định họ đã hoàn toàn chết. Tình thế vô cùng hỗn loạn”, ông Yang nói.
So với 18 đồng nghiệp đã mất, ông Yang may mắn tìm được chỗ ẩn náu nên giữ được mạng sống.
Cảnh sát Seoul khống chế một thành viên đội 684 sau vụ tấn công ở thủ đô. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, những tên sát thủ chưa dừng lại. Họ đi vào đất liền, khống chế một xe buýt và đi đến Seoul. Tại đây họ đụng độ với cảnh sát địa phương và sau đó là binh sĩ do quân đội phái tới. Hàng chục người, bao gồm dân thường, thiệt mạng và bị thương trong cuộc đụng độ.
Cuộc chiến kết thúc bằng một vụ nổ trên xe buýt giết hết 20 kẻ đột kích. Bốn người sống sót nhưng nhanh chóng bị bắt. Họ bị xét xử và hành hình bí mật vào ngày 10.3.1972. Thi thể những người này không bao giờ được bàn giao lại cho gia đình.
Không oán trách
Sau vụ việc này, những sĩ quan liên quan đến Biệt đội 684 quyết định che giấu sự việc, tiêu huỷ tất cả những tài liệu liên quan.
Vết thương của ông Yang đã lành lăn sau nhiều năm. Ông không lên án ai cho thảm kịch đẫm máu đã trải qua. “Họ (những thành viên đội 684) không đáng bị coi là thủ phạm khát máu. Họ cũng là nạn nhân. Họ là những thanh niên trẻ đã hy sinh rất nhiều. Những người huấn luyện như tôi cũng chính là nạn nhân”, ông nói.
Lực lượng an ninh bao vây xe buýt mà các thành viên Đội 684 sử dụng để đến Seoul gây ra vụ tấn công. Ảnh: CNN.
Gần nửa thế kỷ sau thảm kịch trên, quân đội Hàn Quốc cố gắng không đi vào vết xe đổ khi xây dựng đội sát thủ mới.
Các quan chức tiết lộ rất ít thông tin về biệt đội này, chỉ cho biết tên của nhóm là “lữ đoàn tác chiến đặc biệt”. Lực lượng lần này hoàn toàn là chiêu mộ từng những lính đặc nhiệm kỹ năng xuất sắc.
Bộ trưởng Quốc phòng Song Young Moo hồi tháng 9 năm ngoái cho biết họ cần một năm để kết nối tất cả thành viên với nhau. Đến tháng 12.2017, quân đội Hàn Quốc tổ chức một buổi lễ kín để đánh dấu chính thức thành lập một nhóm sát thủ mới.
Một quan chức tại Quốc hội Hàn Quốc tiết lộ với CNN rằng Bộ Quốc phòng dự định đầu tư 50 triệu USD trong những năm tới để trang bị đạn dược và vũ khí cần thiết cho nhóm sát thủ này.
Minh Anh (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.