Bị người đầu ấp tay gối bạo hành
Đêm khuya, trong một bệnh viện đông đúc ở Ghorari, miền tây Nepal, bác sĩ Prabhat Rijal đang thăm khám cho một nữ bệnh nhân thân thể, mặt mũi đầy những vết bầm tím.
Sabita, một nạn nhân của nạn bạo lực gia đình ở Nepal. Ảnh BBC.
Các bác sĩ ở đây thường xuyên gặp tình huống này mỗi ngày, trung bình 1 ca/đêm. Bệnh nhân thường kêu bị đau ở dạ dày và tai trong khi những vết bầm tím trên cơ thể họ phản ánh một câu chuyện buồn: Họ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình.
Theo BBC, ở Nepal, gần một nửa số phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhiều phụ nữ khi đến bệnh viện thăm khám không dám nói thật vì lo sợ các nhân viên y tế sẽ đánh giá hoặc xì xào bàn tán về mình.
Trên toàn thế giới, gần 1/3 phụ nữ đang ở trong một mối quan hệ tình cảm cho biết họ từng bị bạo hành về thể chất hoặc tình dục từ chồng hoặc bạn tình.
Vấn nạn này trầm trọng hơn ở các quốc gia đang trải qua xung đột hoặc vừa chấm dứt xung đột như Cộng hòa Dân chủ Congo, miền Bắc Uganda. Bạo lực gia đình cũng được thừa nhận xảy ra phổ biến ở các quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.
Neha, 38 tuổi, một nạn nhân vừa thoát khỏi bạo lực gia đình ở Nepal. Ảnh BBC.
Thậm chí, bạo lực gia đình không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển. Tại Mỹ, 32% phụ nữ trải qua bạo lực thể chất và 16% bị bạo lực tình dục từ chồng hoặc bạn tình. Bạo hành phụ nữ dẫn đến 2 triệu chấn thương mỗi năm ở Mỹ, khiến cho vấn nạn này trở thành vấn đề sức khỏe lớn hơn cả béo phì và hút thuốc.
1/3 phụ nữ ở Đan Mạch và dưới 30% phụ nữ ở Vương quốc Anh cũng được báo cáo là từng bị chồng/bạn tình bạo hành ít nhất một lần trong đời.
Di chứng của nạn bạo hành đối với phụ nữ thường là những cơn đau mãn tính, hen suyễn, khó ngủ, hội chứng ruột kích thích, bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Phụ nữ từng bị chồng hoặc bạn tình bạo hành có nguy cơ tự tử cao hơn và có nhiều khả năng bị trầm cảm, lo âu, hoảng loạn, rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Biện pháp cứu phụ nữ khỏi bạo hành của Nepal
Nepal, nơi có mức độ bạo lực gia đình cao, đã mở các trung tâm quản lý khủng hoảng một cửa đầu tiên tại các bệnh viện và trung tâm y tế vào năm 2011 để xác định và giúp đỡ những phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành. Mô hình này sau đó được triển khai trên khắp đất nước.
Một trung tâm quản lý khủng hoảng một cửa ở một bệnh viện ở Nepal.
Những phụ nữ bị bạo hành sau khi được các y bác sĩ thăm khám sẽ được đưa đến trung tâm quản lý khủng hoảng một cửa bên trong bệnh viện và gặp gỡ các cố vấn cũng như một nữ cảnh sát.
Bên trong trung tâm quản lý khủng hoảng một cửa tại bệnh viện ở Ghorahi, Nepal, một phụ nữ tên là Maya đang được bác sĩ kiểm tra một chuỗi các vết bầm tím trên cánh tay, gần đó có một tờ giấy liệt kê các triệu chứng khác của cô như đau đầu, tụ máu ở bàn tay phải, sưng trên đầu, đau ở ngực và lưng.
Đây không phải lần đầu tiên Maya bị chồng bạo hành phải nhập viện và cuối cùng người phụ nữ này cũng đi đến quyết định tố cáo người chồng vũ phu thường xuyên bạo hành cô và nộp đơn xin ly hôn nhờ sự giúp đỡ của Sabita Thapa, nhân viên cảnh sát làm việc tại trung tâm quản lý khủng hoảng một cửa.
Y tá Punam Rawat, cố vấn Radha Paudel và cảnh sát Sabita Thapa tại trung tâm quản lý khủng hoảng 1 cửa tại một bệnh viện ở Nepal. Ảnh BBC
Saroja Pande, một trong những bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở Ghorahi, thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ bị bạo hành cho biết, nếu không được giúp đỡ và tư vấn, các nạn nhân sẽ tiếp tục chịu đựng để rồi có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, đặc biệt là về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, tự sát…
Nhân viên y tế thường là những người đầu tiên tiếp xúc với những phụ nữ bị bạo hành, theo đó, cách tiếp cận Nepal đang áp dụng hiện nay có thể trở thành mô hình cho một giải pháp toàn cầu.
Theo BBC, vì 40% nạn nhân nữ trong các vụ giết người bị chồng hoặc bạn tình giết hại, nên việc can thiệp sớm khi bắt đầu xảy ra bạo hành có thể cứu mạng họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.