Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Rania Khalek, Dân Việt lược dịch và biên tập lại.
*************************
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – người nổi tiếng là có quan điểm “diều hâu” với Iran – đã bắt đầu tuần mới bằng lời đe dọa “trừng phạt mạnh nhất lịch sử” nếu Iran không đáp ứng được yêu sách của Mỹ. 12 điểm “cơ bản” mà ông Pompeo đưa ra đã vượt quá yêu cầu ban đầu mà nước này nhắm tới là ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân – điều mà nước này đã và đang làm. Trong đó, có vẻ “quá đáng” nhất là việc buộc Iran phải rút hết binh sĩ cũng như sự ủng hộ của mình cho các nhóm vũ trang ở Syria, Iraq, Lebanon và Yemen – toàn là những nhóm mà Mỹ cảm thấy “ngứa mắt”.
Chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra. Lý do là không giống với Mỹ, Iran là một phần của Trung Đông. Quốc gia này có quyền giao thiệp, trợ giúp các nước láng giềng, khác với Mỹ - một nước không thuộc khu vực nhưng vẫn liên tục can thiệp và khuấy động tình hình chính trị nội bộ của khu vực nhằm bảo toàn lợi ích của mình.
Một điểm khác biệt nữa giữa Mỹ và Iran mà chúng ta cần phải nhấn mạnh nữa là hành động trong khu vực. Trong vài năm trở lại đây, Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã hậu thuận một cuộc nổi loạn vũ trang ở Syria, tập trung nhiều nhóm thánh chiến nhằm nỗ lực đánh đổ chính phủ Syria dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad. Chính những hành động, chính sách này đã tạo môi trường cho các nhóm khủng bố như Al-Qaeda và ISIS ở Syria cũng như Iraq trỗi dậy. Nếu không nhờ các đồng minh là Nga và Iran, chính phủ Syria có thể đã sụp đổ, rơi vào tay của những kẻ khủng bố.
Nói một cách khác, Mỹ đã gây ra một đống hỗn độn ở Syria, Iraq và Iran đã phải “dọn dẹp thành quả” của Washington. Thế nhưng, xứ cờ hoa vẫn mạnh miệng tố Iran là một thế lực làm loạn trong khu vực trong khi thực tế thì chính Mỹ và đồng minh mới là người gây ra các cuộc chiến nhằm thay đổi chế độ, đem lại sự hỗn loạn cho Trung Đông thông qua các cuộc chiến thay đổi chế độ.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP.
Quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, cần nhớ rằng Mỹ đang vi phạm các điều khoản hiệp định với Iran, cho thấy rằng cấm vận kinh tế và có thể là chiến tranh là cái giá phải trả cho việc tuân thủ thỏa thuận với người Mỹ. Đó cũng chính là thông điệp mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gửi tới thế giới.
Hiện, cộng đồng quốc tế đang nhìn về EU, xem xem khối này có dám đứng lên chống lại “kẻ bắt nạt” Mỹ hay không. Cho tới thời điểm hiện tại, Brussels đã hứa sẽ tiếp tục làm ăn với Iran, giữ gìn thỏa thuận và có thể là kích hoạt điều luật cho phép các công ty EU né tránh trừng phạt của Mỹ. Thế nhưng, từ lời nói đến việc làm vẫn là một khoảng cách khá xá, chỉ có thời gian mới có thể cho thấy liệu EU có giữ lời với Tehran hay không.
“Chụp mũ” Iran
Không khó có thể thấy, một phần trong chiến lược Iran của Mỹ vốn dẫn đầu bởi Cố vấn An ninh “diều hâu” John Bolton là “chụp mũ” Iran, biến nước này trở thành một mối đe dọa, thế lực đang giật dây thao túng sự hỗn loạn trên khắp Trung Đông.
Cho dù hầu hết cơ quan truyền thông chính thống phương Tây không ưa gì ông Trump, khi nhắc đến vấn đề chiến tranh, tất cả đều thống nhất một cách lạ kỳ trong việc duy trì đưa các quan điểm lệch lạc về quốc gia Trung Đông tới người dân.
Mới đây, trong cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ về vấn đề lính Israel tàn sát nhiều người biểu tình Palestine tại Dải Gaza, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã dành hẳn một phần trong bài phát biểu chống Palestine của mình để đổ lỗi cho Iran cho vụ việc do Israel gây ra?!
Những lời cáo buộc của Mỹ không chỉ dừng lại ở Palestine mà còn chạm tới cả cuộc bầu cử hồi đầu tháng 5 ở Lebanon. Sau khi kết quả bầu cử được công bố, giống như mọi lần, các báo đài phương Tây đã “xúm lại” công kích, cho rằng Iran đã can thiệp, gây ảnh hưởng để nhóm dân quân Hezbollah và đồng minh chiến thắng.
Theo quan điểm của truyền thông phương Tây, Hezbollah – dưới sự trợ giúp của Iran – đã nắm quyền của Lebanon trái theo nguyện vọng của người dân.
Cần phải nhớ rằng, cuộc bầu cử vừa qua ở Lebanon là hoàn toàn dân chủ - thứ mà người Mỹ đã ra rả tuyên truyền ở không chỉ Trung Đông mà cả trên thế giới. Chính người dân Lebanon đã chọn Hezbollah.
Gắn Iran với Hezbollah hoàn toàn là hành động tuyên truyền. Hezbollah là một nhóm chính trị vũ trang của Lebanon, là một phần của chính phủ Lebanon. Nhóm này có sự ủng hộ rộng rãi và sâu sắc ở Lebanon và các thành viên cũng là người Lebanon. Cho dù có nhận được sự hỗ trợ từ Iran, Hezbollah không phải là một nhóm của Iran hay một thực thể ủy nhiệm của Iran như cách mà truyền thông phương Tây mô tả.
Quan hệ đối tác giữa Hezbollah và Iran được xây dựng trên nền tảng lợi ích chung. Thế nhưng, Hezbollah vẫn là nhóm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Lebanon và hợp tác với chính phủ Lebanon để thi hành trách nhiệm này. Hơn thế nữa, Hezbollah đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Syria vốn có thể lan tới và gây bất ổn ở Lebanon. Chính vì thế, Hezbollah đã dành được sự tin tưởng của người dân và đạt được kết quả tốt trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Một ví dụ khác về tính hai mặt của truyền thông phương Tây là cuộc bầu cử tại Iraq diễn ra sau bầu cử ở Lebanon. Một lần nữa, các mũi dùi tuyên truyền lại nhắm vào Iran.
15 năm sau khi được Mỹ “ban phát” dân chủ, Iraq cuối cùng đã bắt đầu trỗi dậy từ đống đổ nát, tổ chức được một cuộc bầu cử dân chủ. Thế nhưng, dường như với phương Tây, bầu cử sẽ không phải là dân chủ nếu kết quả không làm Bộ Ngoại giao Mỹ vừa lòng. Lần này, Iran lại bị tố đã “can thiệp”.
Trong một khu vực đang bị nuốt chửng bởi sự hỗn loạn, Iran là một trong những quốc gia may mắn có được sự ổn định và tự do, dân chủ hơn nhiều người láng giềng khác trong khu vực.
Dù có chưa thực sự hoàn hảo, Iran không đáng bị cô lập kinh tế và thậm chí là cả chiến tranh và cách hành xử của Mỹ với Iran cho thấy rằng, chính Mỹ mới là "kẻ bắt nạt" trên trường quốc tế!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.