Đề nghị điều tra chung của Nga bị bác bỏ
OPCW tiến hành bỏ phiếu về đề nghị điều tra chung của Nga liên quan đến vụ đầu độc bố con nhà Skripal hôm 4.4. Tuy nhiên, đề xuất của Nga không được chấp nhận với 15 phiếu chống, 6 phiếu thuận của Trung Quốc, Azerbaijan, Sudan, Algeria và Nga, trong khi 17 thành viên còn lại của OPCW bỏ phiếu trống.
Theo đó, OPCW tuyên bố sẽ không cung cấp cho Nga thông tin liên quan đến cuộc điều tra vụ đầu độc cha con nhà Skripal. OPCW còn cho biết, họ chỉ có thể cung cấp cho Moscow dữ liệu về vụ Skripal khi nước Anh "có thiện chí" làm như vậy.
Trụ sở của OPCW
Phát biểu sau cuộc họp khẩn của OPCW, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow "không thể tưởng tượng được OPCW ngày càng bị cuốn sâu vào những trò chơi chính trị của Anh và các đồng minh của nước này".
Mặc dù vậy, đại diện của Nga tại OPCW, ông Alexander Shulgin nhấn mạnh rằng, việc 17 thành viên bỏ phiếu trống “đồng nghĩa với việc hơn một nửa thành viên Hội đồng hành pháp OPCW cũng không ủng hộ quan điểm của Mỹ và Anh”.
Ông Shulgin trước đó tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận bất cứ kết quả điều tra nào về cụ Skripal nếu không được tham gia điều tra chung.
Nga đã kêu gọi OPCW tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại TP. The Hague, Hà Lan để phản bác các cáo buộc của Anh cho rằng, Moscow đứng sau vụ đầu độc ông Sergei Skripal và con gái Yulia hôm 4.3 tại thành phố Salisbury.
Trước thềm cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, ông hy vọng OPCW sẽ đặt dấu chấm hết cho những căng thẳng xung quanh vụ việc. Tuy nhiên, Moscow vẫn chưa có cơ hội xoay chuyển tình thế khi các đại diện của Anh, Mỹ và một số nước châu Âu tại OPCW ra sức ép Nga phải nhận trách nhiệm trong vụ đầu độc cha con nhà Skripal.
Yêu cầu Liên Hợp Quốc vào cuộc
Các nhân viên pháp y nói chuyện với các quan chức quân đội trong khi thu hồi xe hơi của cựu điệp viên Nga Sergei Skripal để phân tích sau vụ tấn công.
Sau khi đề xuất điều tra chung bị bác bỏ, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) mở phiên họp khẩn vào ngày 5.4 để thảo luận về các cáo buộc của Anh liên quan đến vụ việc.
Đề nghị trên được Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya trình lên trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Việc sử dụng vũ khí hóa học bởi bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ đâu là không thể chấp nhận được, cần bị điều tra và trừng phạt", Đại sứ Nebenzya nhấn mạnh trong thư. Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp để thảo luận về vấn đề này theo đề nghị của Anh vào ngày 14.3.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của OPCW, đại diện của Anh John Foggo tuyên bố, London tin Nga đứng sau vụ đầu độc dựa trên những cơ sở sau:
- Xác định được chất độc thần kinh được sử dụng để đầu độc bố con ông Skripal.
- Nga từng sản xuất chất độc thần kinh trên và hiện vẫn có khả năng tại ra chất này.
- Hồ sơ của Nga về việc thực hiện các vụ ám sát
- Nhận định rằng, Moscow xem những người Nga lưu vong là mục tiêu ám sát
Các cường quốc phương Tây, ủng hộ quan điểm của Anh đã đồng tình cho rằng, đề xuất điều tra chung của Nga là nỗ lực nhằm làm suy yếu cuộc điều tra hiện tại của OPWC.
Dự kiến trong vòng một tuần nữa, các chuyên gia của OPCW mới đưa ra kết luận về mẫu chất độc nghi được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga tại Salisbury.
OPCW không có thẩm quyền đưa ra kết luận mang tính buộc tội nào. Tuy nhiên, tổ chức này có thể yêu cầu các bên liên quan cho phép những thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở quân sự để bảo đảm mọi nguồn dự trữ vũ khí hóa học đều đã bị tiêu hủy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.