Bị Mỹ, EU trừng phạt kinh tế nặng nề, Nga dọa trả đũa đau đớn

Phương Đăng (theo CNA) Thứ năm, ngày 17/07/2014 08:48 AM (GMT+7)
Mỹ và châu Âu ngày 16.7 quyết định tăng cường đáng kể các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga do vấn đề Ukraine, với Washington lần đầu tiên nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga.
Bình luận 0

Phía Mỹ tuyên bố, họ không còn lựa chọn nào ngoài việc phải hành động do Moscow đã không chịu thực hiện các bước để ngăn chặn việc tuồn vũ khí cũng như thiết bị quân sự qua biên giới vào Ukraine cũng như chưa sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine đầu hàng. Thay vào đó, Moscow tiếp tục ủng hộ quân ly khai Đông Ukraine.    

"Chúng tôi  xử phạt bổ sung chống lại Nga bởi các hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine của họ", một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

img  
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đích thân lên truyền hình tuyên bố về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Bộ Tài chính Mỹ cho hay, các biện pháp trên, là đòn giáng mạnh mẽ nhất của Washington cho đến nay nhằm vào nền kinh tế Nga, bao gồm các lệnh trừng phạt nhằm vào 2 công ty dầu mỏ khổng lồ của Nga là Rosneft và OA Novatek, cũng như ngân hàng Gazprombank.  

 Bộ này cũng cho biết, 8 công ty vũ khí của Nga sản xuất các loại đạn cối, xe tăng và các trang thiết bị quân sự khác cũng sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt trực tiếp của Mỹ.

Danh sách trừng phạt còn nhằm vào cả Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự phong ở miền Đông Ukraine.

img

Một khu vực dân sự ở Snezhnoye, thuộc Donetsk bị phá hủy trong bối cảnh chiến sự căng thẳng trong những ngày qua tại Đông Ukraine.

 Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 16.7 cũng siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó đáng chú ý là việc ngừng các khoản đầu tư mới của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) vào Nga.

Nguồn tin trên còn cho hay, EU cũng nhất trí mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty của Nga có liên quan tới các hoạt động vi phạm chủ quyền của Ukraine. Dù vậy, các biện pháp của EU có vẻ kém mạnh mẽ so với của Washington.  

"Tình hình ở Ukraine là không thể chấp nhận. Chúng ta cần gửi một thông điệp rõ ràng thông qua những hành động rõ ràng", Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh ở Brussels đêm qua (16.7), trước khi các biện pháp trừng phạt mới được công bố.

Giới phân tích nhận định, việc áp đặt thêm các lệnh trừng chống kinh tế chống lại Nga sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng nghiêm trọng nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Trước đó, Washington và châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào giới lãnh đạo một số công ty và xí nghiệp chủ chốt của Nga cũng như các nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine.

Về phần mình, Nga gọi các lệnh pháp trừng phạt mới của Mỹ là mang tính xúc phạm và không thể chấp nhận được, đồng thời dọa sẽ trả đũa.

Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh: “Quyết định mới của chính quyền Mỹ để thi hành các biện pháp trừng phạt mới đối với một số thực thể và cá nhân hợp pháp của Nga thông qua một cái cớ giả dối đến khó tin, không thể được miêu tả bằng từ nào khác ngoài sự xúc phạm và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Ông Ryabkov đồng thời tuyên bố Nga sẽ trả đũa khi nói: “Chúng tôi lên án những chính trị gia và các quan chức đứng đằng sau những hành động này, đồng thời, xác nhận, (chúng tôi có) ý định áp dụng những biện pháp mà Washington sẽ cảm nhận được một cách khá đau đớn và thấm thía”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem