Các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nào nằm sát Việt Nam?

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ năm, ngày 24/05/2018 19:00 PM (GMT+7)
Trung Quốc hiện duy trì 3 nhà máy điện hạt nhân nằm gần biên giới phía Bắc Việt Nam bao gồm Phòng Thành, Trường Giang và Sương Giang.
Bình luận 0

img

Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc gần Việt Nam nhất. (Ảnh: Power-technology.com).

Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu đưa vào vận hành 3 nhà máy hạt nhân gần với Việt Nam bao gồm nhà máy Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây, cách TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) 50km và cách TP.Hà Nội khoảng 500km; nhà máy Trường Giang (tỉnh Quảng Đông) cách biên giới Việt Nam 200km và nhà máy Sương Giang (đảo Hải Nam) cách đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) hơn 100km.

img

Bên trong nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành

Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, 2 với công suất 1.000MW. Hiện Phòng Thành đang xây dựng giai đoạn 2, dự kiến sẽ có thêm 4 tổ máy công suất 1000MW  tại đây với tổng kinh phí toàn dự án lên tới khoảng 70 tỷ nhân dân tệ (10,4 tỷ USD).

img

Các công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành.

Nhà máy điện hạt nhân Sương Giang ở đảo Hải Nam đã vận hành tổ máy số 1, 2 công suất 650MW với kinh phí đầu tư 24,9 tỷ nhân dân tệ (3,59 tỷ USD). Nhà máy điện hạt nhân Sương Giang tổng cộng sẽ bao gồm 4 tổ máy, với các tổ máy số 3 và 4 dự kiến sẽ bắt đầu được xây dựng vào năm 2018 và  đi vào hoạt động vào năm 2022.  

img

 Nhà máy điện hạt nhân Sương Giang ở đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Trong khi đó, Trường Giang - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Trung Quốc được đặt ở tỉnh Quảng Đông đã vận hành 4 tổ máy công suất 600MW. Tổ máy thứ 4 vừa đi vào hoạt động đầu năm 2017. Dự kiến, toàn bộ 6 tổ máy sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2019, theo báo China Daily.

img

Nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cách biên giới Việt Nam khoảng 200km

Như vậy, khi cả 3 nhà máy trên hoạt động hết công suất, ước tính sẽ có tới 16 tổ máy điện hạt nhân ngay gần biên giới Việt Nam.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến tháng 5.2018, Trung Quốc có 38 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động, khoảng 20 tổ máy đang được xây dựng và hàng chục tổ máy khác đang được lên kế hoạch xây dựng. Nước này có xu hướng triển khai thêm các dự án xây dựng các tổ máy điện hạt nhân xuống phía nam, sát biên giới Việt Nam.

img

Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang lớn nhất Trung Quốc.

Paul Dorfman, một nhà nghiên cứu của Viện Năng lượng của trường Đại học London bày tỏ lo ngại vì không ai rõ “độ an toàn của các lò phản ứng của Trung Quốc và không rõ chúng được vận hành như thế nào”.

Ngay trong nước, các học giả Trung Quốc cũng đã cảnh báo về mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở nước này cũng như việc Bắc Kinh ồ ạt xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân.

img

Tỉnh Quảng Đông là nơi đặt nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Trung Quốc.

Theo The Guardian, ông He Zuoxiu - một nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc đã chỉ trích kế hoạch xây dựng ồ ạt thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân của Bắc Kinh và cảnh báo rằng, nước này đã không đầu tư đầy đủ cho các biện pháp kiểm soát an toàn, các tiêu chuẩn an toàn cũng đã lỗi thời.

Nhà vật lý He Zuoxiu từng làm việc cho chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng nếu tai nạn xảy ra có thể gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người.

img

Nhà máy điện hạt nhân Sương Giang ở đảo Hải Nam, Trung Quốc.

"Họ (giới chức Trung Quốc) muốn xây dựng 58 tổ máy phát điện hạt nhân vào năm 2020 và rồi 120 đến 200 tổ máy. Thật điên rồ", ông He nhấn mạnh và nói thêm rằng, với các nhà máy được xây dựng gần các thành phố đông dân, bất cứ sự cố nào cũng sẽ khiến hàng triệu người có nguy cơ nhiễm bụi phóng xạ ngay lập tức và nhiễm xạ lâu dài tương tự như vụ rò rỉ phóng xạ ở Fukushima (Nhật Bản).

 "Thành thực mà nói, tôi đã 88 tuổi rồi, việc các nhà máy điện hạt nhân có an toàn hay không sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến tôi nhiều nữa. Nhưng tôi lo ngại cho phúc lợi và sự an toàn của thế hệ con cháu chúng ta và cho rằng, chúng ta không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận của các dự án điện hạt nhân mới", ông He chia sẻ.

Theo đề án "Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP. Hà Nội" vừa được UBND TP. Hà Nội ký ban hành, thành phố xác định thảm họa sẽ xảy đến nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam Trung Quốc.

Theo đánh giá, Hà Nội sẽ là một trong số các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu 3 nhà máy này có sự cố do bụi phóng xạ có khả năng phát tán rộng làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.

Nếu xảy ra thảm họa này, thành phố giao Sở Khoa học Công nghệ phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cho thành phố về các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa, xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem