Hiểm họa trên Biển Đông đang gia tăng sau sự kiện ngày 16.2 khi đài Fox News (Mỹ) phân tích các ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSat quốc tế (ISI) cho biết 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Hiểm họa cho ngành hàng không
Bình luận với NTNN về những diễn biến mới đây trên Biển Đông, tiến sĩ William Chong- chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Singapore cho rằng: “Trên Biển Đông, Trung Quốc đang ở thế “cố thủ ở phía trên đồi”. Trừ khi Mỹ và các nước liên quan có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những âm mưu của Bắc Kinh hòng độc chiếm Biển Đông, nếu không tình hình sẽ còn phức tạp”.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh về hoạt động cải tạo phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. CSIS
Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng phiên bản tiếng Anh dẫn bình luận của chuyên gia Lý Khiết thuộc Viện Nghiên cứu hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, Trung Quốc có thể triển khai tên lửa tầm ngắn ở những đảo nhỏ cùng nhiều thiết bị như radar và vệ tinh để hợp nhất cấu trúc phòng phủ. Máy bay tuần tra không người lái cũng sẽ được tăng cường.
Ngày 22.2, Bangkok Post của Thái Lan đã có bài xã luận với tiêu đề “ASEAN cần ngăn chặn Trung Quốc” cho rằng, các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các nước trong khu vực. Bởi vậy, các nước ASEAN cần đoàn kết để đối mặt một cách mạnh mẽ, khôn khéo trước sự bành trướng của Bắc Kinh.
|
Trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, ông Peter Jennings - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Australia ASPI đã gợi đến thảm kịch liên quan đến chuyến bay MH-17, khi một chiếc Boeing của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị trúng tên lửa trên bầu trời Ukraine làm hàng trăm người thiệt mạng.
Ông Peter Jennings cho rằng, sự hiện diện của tên lửa đất-đối-không của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, có thể gây nên những mối nguy hiểm tương tự cho các máy bay thương mại cũng như các máy bay quân sự.
Là một cựu quan chức quốc phòng cấp cao và là cố vấn cho việc soạn thảo quyển Sách trắng quốc phòng Australia sắp được công bố, ông Jennings đã nêu bật hiểm họa đối với các phi cơ trinh sát P-3 Orion được phái đi tuần tra tại khu vực mà Trung Quốc đặt tên lửa. Theo ông, những phát hiện mới đây qua ảnh vệ tinh về các tên lửa Trung Quốc HQ-9 ở Hoàng Sa, có tầm bắn khoảng 200km, sẽ buộc các giới chức không quân và quốc phòng Australia phải xem xét cách xử lý các rủi ro.
Sau những nhận định của chuyên gia Peter Jennings, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhận định nguy cơ này có thật, song cho rằng ngành hàng không dân dụng của Australia và quốc tế không nên tránh Biển Đông.
Chiến trường Mỹ- Trung?
Ngày 22.2, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin đã bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông đang bị tô vẽ như một chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của một hệ thống tên lửa đất đối không của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp sẽ không ngăn cản được quân đội Mỹ cho máy bay bay qua khu vực này.
Ông Aucoin cho biết hệ thống tên lửa trên “gây hiệu ứng bất ổn” trên khắp khu vực. Tuy nhiên, ông Aucoin khẳng định: “Chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu thuyền, cũng như hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có các khu vực này”.
Phó Đô đốc Joseph Aucoin đã kêu gọi Australia cùng theo Mỹ tiến hành các hoạt động hải quân vì “tự do hàng hải” trong vòng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.