Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì- đồng chủ tịch ủy ban hợp tác song phương Việt Nam- Trung Quốc sẽ có mặt tại Hà Nội trong ngày 17.6 để tham gia cuộc đối thoại song phương, trong đó vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ được bàn đến.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hải Bình cho biết như vậy trong cuộc họp báo quốc tế chiều 16.6 tại Hà Nội. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, Việt Nam luôn hết sức kiên trì tìm mọi kênh đối thoại để bàn bạc một cách hòa bình. Đây cũng sẽ là một kênh để thảo luận về vấn đề này để giải quyết hòa bình vấn đề ở Biển Đông
Phản bác luận điệu vu khống của Trung Quốc
Ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Bất chấp các nỗ lực hòa bình của Việt Nam, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi đâm va, phun nước, cố ý đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, thậm chí tiếp tục xây dựng công trình trái phép tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các luận điệu sai trái, vô căn cứ về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.
Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết: “Những ngày qua, Trung Quốc lớn tiếng cho rằng phía Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc, thậm chí nói tàu cá Việt Nam chìm do đâm vào tàu Trung Quốc. Sự thật thế nào mọi người đã rõ qua những hình ảnh, clip hiện trường”.
Cụ thể, ngày 13.6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo trong đó đưa ra một số thông tin và hình ảnh sai lệch thực tế hiện trường. Ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư khẳng định: “Trung Quốc công bố các tàu Việt Nam đâm húc 1.547 lần vào tàu Trung Quốc, chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch và phi lý trên. Thực tế chỉ có các tàu của Trung Quốc đâm va và phun nước vào tàu của Việt Nam làm 34 lần tàu của Việt Nam bị hư hỏng, trong đó có 7 tàu cá bị đâm va. Tàu cá ĐN 90152 bị đâm chìm vào ngày 26.5”.
Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nhấn mạnh: Quan điểm của Việt Nam là bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa vì không có cơ sở. Tư liệu lịch sử mà Trung Quốc công bố không có nguồn gốc chính xác, đều là của các cá nhân, không phải của Nhà nước, suy diễn tùy tiện. Các tài liệu đã không chứng tỏ nhà nước phong kiến Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền với Hoàng Sa.
Trung Quốc làm bằng chứng giả
Theo ông Thu, Trung Quốc khẳng định không sử dụng tàu chiến, nhưng nhiều phóng viên quốc tế đã chứng kiến nhiều lượt tàu chiến của Trung Quốc tại hiện trường. Điều Trung Quốc nói hoàn toàn không đúng với thực tế.
Ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Từ ngày 3.5 đến nay có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương, chúng tôi có đầy đủ bằng chứng hình ảnh về việc tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam.
“Việc Trung Quốc vu khống Việt Nam sử dụng lực lượng người nhái và tung lưới đánh cá, chúng tôi khẳng định không sử dụng lực lượng người nhái tại hiện trường. Còn tại hiện trường, đây là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam, tàu Trung Quốc tiến hành tấn công vây ép nên tàu cá ngư dân Việt Nam phải bỏ lại lưới, phía Trung Quốc thu về làm bằng chứng. Còn các vật trôi nổi như thùng phi, mảnh gỗ... là do phía Trung Quốc phun vòi rồng mạnh làm văng xuống biển và thu về làm bằng chứng, điều này là phi thực tế” - ông Ngô Ngọc Thu khẳng định.
Trung Quốc duy trì gần 120 tàu quanh giàn khoan
Ngày 16.6, Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) cho biết, vào lúc 7 giờ 20 sáng 16.6, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tại vùng biển nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đã phát hiện một máy bay cánh bằng bay ở độ cao từ 800 - 1.000m. Lúc 10 giờ 40 lại phát hiện một máy bay cánh bằng ký hiệu CMSB 3843 bay 3 vòng trên khu vực ở độ cao 200 - 300m.
Trong ngày 16.6, Trung Quốc duy trì 115 -119 tàu các loại (trong đó có 6 tàu quân sự) xung quanh khu vực giàn khoan. Các tàu của Trung Quốc đã vây ép, chặn hướng và tăng tốc độ, sẵn sàng đâm va khi các tàu của ta cơ động tiếp cận khoảng cách 9-11 hải lý so với giàn khoan. Các tàu cá của ta trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tổ chức đánh bắt ở Tây Nam giàn khoan, cách giàn khoan 30-35 hải lý, được sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư tổ chức cơ động đánh bắt và đấu tranh tuyên truyền.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.