Tàu cứu hộ trục vớt tàu ngầm Kommuna. Ảnh: Sputnik.
Hải quân Nga hiện biên chế nhiều chiến hạm cũ từ thời Liên Xô, nhưng con tàu cao tuổi nhất còn hoạt động trong lực lượng này ra đời từ năm 1915, dưới thời đế quốc Nga. Mang tên gọi Kommuna, đây là tàu hải quân cao tuổi nhất còn hoạt động trong biên chế quân đội Nga và thế giới, theo RBTH.
Kommuna được khởi đóng từ năm 1912 với vai trò tàu trục vớt và hậu cần tàu ngầm, ban đầu được đặt tên "Volkhov". Tàu dài 96 m, rộng 18,5 m và có lượng giãn nước 3.100 tấn.
Tàu được biên chế cho Hạm đội Baltic Nga vào năm 1915. Toàn bộ thân tàu được làm bằng loại thép đặc biệt, khiến nó không bị rỉ hoặc hư hỏng suốt 103 năm hoạt động. Tuy nhiên, phương pháp chế tạo loại thép này đã bị mai một sau nội chiến Nga.
Tàu Volkhov không có nhiệm vụ chiến đấu, do vậy nó không được trang bị vũ khí. Nhiệm vụ chính của chiếc tàu hai thân là giải cứu hoặc trục vớt tàu ngầm bị chìm, cũng như tiếp tế hậu cần kỹ thuật cho lực lượng tàu ngầm hoạt động xa bờ. Lần trục vớt thành công đầu tiên diễn ra vào năm 1917, khi Volkhov đưa tàu ngầm AG-15 lên khỏi đáy biển.
Tới năm 1922, Volkhov được đổi tên thành Kommuna. Trong Thế chiến II, Kommuna là căn cứ nổi cho các tàu ngầm Liên Xô tại Biển Baltic. Nó có thể mang theo 10 ngư lôi và 50 tấn nhiên liệu dự trữ, cùng cơ sở hạ tầng sửa chữa tàu ngầm và phục vụ 60 thủy thủ cùng lúc.
Kommuna được chế tạo từ loại thép đặc biệt. Ảnh: Sputnik.
Trong 103 năm hoạt động liên tục, Kommuna đã trục vớt 150 phương tiện khác nhau, chủ yếu là tàu ngầm gặp sự cố, cùng nhiều loại máy bay, xe tăng và phương tiện cơ giới. Năm 1977, con tàu này thu hồi thành công một cường kích Su-24 chìm ở độ sâu 1.700 m.
Kommuna thường xuyên được hiện đại hóa và đại tu để bảo đảm khả năng hoạt động trong hơn một thế kỷ. Gần đây nhất, hải quân Nga đã trang bị cho Kommuna tàu lặn điều khiển từ xa Saab Seaeye Panther Plus, cho phép nghiên cứu các vật thể ở độ sâu 1.000 m. Ngay cả chiếc đàn piano cũ được đưa lên tàu năm 1914 cũng được sửa chữa và trở lại hoạt động bình thường.
Tử Quỳnh (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.